• Pháp luật - Bạn đọc

Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người tố cáo

18/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 18/04/2019 | 06:00

STO - Luật Tố cáo năm 2018 được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2018 và có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2019. Luật gồm có 9 chương, 67 điều, thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011 với nhiều điểm mới quan trọng, được dư luận quan tâm. Để hiểu rõ hơn về những điểm mới này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Luật Tố cáo năm 2018 có những điểm gì mới đáng chú ý so với Luật Tố cáo năm 2011?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Luật Tố cáo năm 2018 có nhiều điểm mới đáng chú ý như về thẩm quyền giải quyết tố cáo; về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo. Luật mới đã bổ sung hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo. Luật mới còn quy định cụ thể hơn về bảo vệ người tố cáo; bổ sung một chương mới về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, người bị tố cáo, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo...

Phóng viên: Như vậy, trách nhiệm của người giải quyết tố cáo và người bị tố cáo quy định ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Theo Điều 44 Luật Tố cáo năm 2018, trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, người giải quyết tố cáo xử lý như sau: Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, người giải quyết tố cáo xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, người giải quyết tố cáo xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật. Đối với hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội phạm thì có văn bản chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.

Điều 45 quy định trách nhiệm của người bị tố cáo là phải thực hiện kịp thời, đúng thời hạn và đầy đủ các nghĩa vụ đã được xác định tại kết luận nội dung tố cáo. Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, người bị tố cáo phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước người giải quyết tố cáo, trước pháp luật về việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.

Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ hơn những quy định về bảo vệ người tố cáo trong luật mới? 

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Luật Tố cáo năm 2018 đã dành một chương (Chương 6) quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo Điều 47, người được bảo vệ bao gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Phạm vi bảo vệ là bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. 

Phóng viên: Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ được quy định ra sao? 

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. 

Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo. Cơ quan công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ. UBND các cấp, công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ (Điều 49).

Luật quy định về việc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ; thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ nếu xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ; chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ (từ Điều 50 đến Điều 54). Luật còn quy định các biện pháp cụ thể để bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác việc làm, bảo vệ tính mạng sức khỏe tài sản, danh dự, nhân phẩm cho những người được bảo vệ (từ Điều 56 đến Điều 58).

Phóng viên: Để Luật Tố cáo năm 2018 đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp sẽ có những giải pháp thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Ngày 5-5-2016, Tỉnh ủy Sóc Trăng có Công văn số 128/CV/TU về việc lãnh, chỉ đạo triển khai các bộ luật và luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở ngành có liên quan thực hiện đăng tải công khai toàn văn nội dung của Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành trên cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Tổ chức các hội nghị để giới thiệu, quán triệt, phổ biến nội dung cơ bản của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; lồng ghép trong nội dung giáo dục pháp luật hàng năm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Đơn vị sẽ lựa chọn nội dung để tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới thông tin cơ sở và bổ sung cho tủ sách pháp luật để người dân tự tìm hiểu, nghiên cứu và học tập. Tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự giác học tập, tìm hiểu những nội dung cơ bản của luật, nhất là những điểm mới; cung cấp toàn văn văn bản luật để mọi người tự tìm hiểu khi có nhu cầu. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến qua hoạt động thi hành công vụ, hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở. Trong đó, quan tâm lựa chọn các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, tổ chức, địa phương.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Sớm Mai (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: