• Pháp luật - Bạn đọc

Người tham gia đấu giá có thể từ chối kết quả trúng đấu giá

24/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 24/10/2017 | 06:00

STO - Quy định pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản được các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến dưới mọi hình thức. Nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn cảm thấy “bỡ ngỡ” khi tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản, nhất là về trình tự, thủ tục. Để giúp người dân nắm rõ hơn các quy định này, Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết các cá nhân, tổ chức muốn đăng ký tham gia đấu giá tài sản thì phải làm sao?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Điều 38 Luật Đấu giá tài sản có quy định, cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó. Người tham gia đấu giá có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá. Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày. Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá.

Phóng viên: Thưa đồng chí, pháp luật có quy định những ai không được đăng ký tham gia đấu giá tài sản?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo khoản 4, Điều 38 Luật Đấu giá tài sản thì có 5 nhóm người không được đăng ký tham gia đấu giá. Thứ nhất, người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Thứ hai, người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản. Thứ ba, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật. Thứ tư, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại nhóm thứ ba. Thứ năm, người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.

Phóng viên: Vậy hình thức và phương thức đấu giá tài sản được quy định như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Căn cứ Điều 40 của Luật Đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá, như: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến. 

Riêng đấu giá trực tuyến là hình thức mới được quy định trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Hình thức đấu giá trực tuyến này cho phép diễn ra trên một phạm vi rộng lớn, không ràng buộc về vị trí hay số lượng người tham gia, cách thức tổ chức linh hoạt góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động đấu giá vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Do vậy, việc quy định đấu giá tài sản trực tuyến có thể tiếp cận hơn với thị trường đấu giá quốc tế. Hình thức đấu giá trực tuyến thể hiện cụ thể ở Chương 3 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP, ngày 16-5-2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản. Phương thức đấu giá bao gồm: Phương thức trả giá lên và phương thức đặt giá xuống. Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá phải được quy định trong quy chế cuộc đấu giá và công bố công khai cho người tham gia đấu giá biết.

Phóng viên: Người trúng đấu giá sẽ được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ gì?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Quy định tại Điều 48 của Luật Đấu giá tài sản, người trúng đấu giá có các quyền sau đây: Thứ nhất, yêu cầu người có tài sản đấu giá ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. Thứ hai, được nhận tài sản đấu giá, có quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật. Thứ ba, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đấu giá đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Thứ tư, các quyền khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, người trúng đấu giá có các nghĩa vụ: Ký biên bản đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan; các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Người tham gia đấu giá có quyền từ chối kết quả trúng đấu giá trong những trường hợp nào, thưa đồng chí? 

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Điều 51 của Luật Đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá có quyền từ chối kết quả trúng đấu giá trong hai trường hợp: Thứ nhất, trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá. Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành. Thứ hai, trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức đặt giá xuống, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá công bố người trúng đấu giá mà người trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá thì cuộc đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người từ chối kết quả trúng đấu giá. Trường hợp không có người đấu giá tiếp thì cuộc đấu giá không thành.

Phóng viên: Xin chân thành cám ơn đồng chí!

Sớm Mai (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: