• Pháp luật - Bạn đọc

TX. Vĩnh Châu

Nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

24/09/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 24/09/2018 | 06:00

STO - Qua 10 năm (2008 – 2018) triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trên địa bàn TX. Vĩnh Châu. Trong đó, phải kể đến những chuyển biến rõ nét về nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ các cấp và cộng đồng về PCBLGĐ; những thay đổi về đời sống văn hóa cơ sở, góp phần thay đổi đời sống của người dân trên địa bàn.

Bà Phạm Thị Hương – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TX. Vĩnh Châu cho biết: “Được sự quan tâm, chỉ đạo của  Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND TX. Vĩnh Châu về việc triển khai Luật PCBLGĐ, các cơ quan chức năng trên địa bàn thị xã đã có sự phối hợp đồng bộ trong việc thực hiện công tác này. Qua đó, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thiết thực như: hội thi, tọa đàm, họp mặt… nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân; từng bước phát huy những giá trị truyền thống quý báu, những chuẩn mực của gia đình Việt Nam, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, còn góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong việc quan tâm lãnh đạo hoạt động PCBLGĐ”.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về PCBLGĐ.

Theo số liệu thống kê 10 năm qua, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn TX. Vĩnh Châu là 1.064 vụ. Trong đó, nạn nhân là nữ 927 vụ, nam 137 vụ (trẻ em dưới 16 tuổi 165 vụ, người già trên 60 tuổi 102 vụ); được đưa ra góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư 643 vụ, áp dụng biện pháp giáo dục 128 vụ. Các hình thức bạo lực gia đình về tinh thần 522 vụ, thể chất 396 vụ, kinh tế 146 vụ, tình dục 9 vụ. Bà Phạm Thị Hương nhận định: “Có thể nói, những năm đầu triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ, hầu hết người dân cho rằng, BLGĐ là việc riêng tư của gia đình nên khi xảy ra sự việc, chuyện trình báo và sự tham gia can thiệp của cộng đồng chưa nhiều, chủ yếu là một số vụ bạo hành lớn về thể chất. Sau 10 năm triển khai thực hiện luật, đặc biệt là công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, việc thực hiện mô hình PCBLGĐ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Người dân đã cơ bản hiểu được thế nào là BLGĐ và tác hại của nó, nên từng bước tích cực tham gia PCBLGĐ, số nạn nhân của BLGĐ khai báo và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng đã tăng lên, nhất là một số hình thức bạo lực nhạy cảm như bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục… Từ những thông tin ban đầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định. Trong đó, chú trọng biện pháp hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân kịp thời. Từ đó, đã giúp cho những người gây BLGĐ có sự thay đổi về nhận thức, vợ chồng thấu hiểu nhau hơn, cùng nhau chăm lo cuộc sống. So với năm 2008, đến 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm 163 vụ, đây là một con số rất đáng phấn khởi.

Từ khi thực hiện công tác này, đã có sự thay đổi tích cực về nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ chính quyền, đoàn thể và cộng đồng về PCBLGĐ. Các cấp, các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu BLGĐ. Các xã, phường đã thành lập được Ban Chỉ đạo công tác gia đình, nhóm PCBLGĐ, địa chỉ tin cậy, số điện thoại đường dây nóng. Bên cạnh đó, còn là những thay đổi về đời sống văn hóa cơ sở: tình hình trật tự xã hội, mối quan hệ giữa gia đình và cộng đồng; vấn đề bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; chăm sóc người cao tuổi; bình đẳng giới; tệ nạn xã hội; ly hôn; ly thân có sự chuyển biến tích cực. Đối với những gia đình có bạo lực và sau khi được tư vấn, hòa giải, giáo dục không còn bạo lực, chí thú làm ăn, kinh tế ổn định hơn.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu trong thực hiện Luật PCBLGD, nhưng công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trên địa bàn. Trong đó, nhận thức và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho công tác gia đình và PCBLGĐ ở một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể ở cơ sở trong việc triển khai và tổ chức thực hiện Luật PCBLGĐ có nơi chưa chặt chẽ và hiệu quả chưa cao. Lực lượng làm công tác gia đình còn yếu; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân BLGĐ còn có mức độ. Nội dung sinh hoạt và hoạt động các CLB, nhóm PCBLGĐ chất lượng chưa cao; việc phát hiện, thống kê báo cáo, việc xử lý các hành vi vi phạm BLGĐ có lúc chưa kịp thời.

Từ những tồn tại, hạn chế đó, đơn vị cũng đề ra một số giải pháp khắc phục. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật. Đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động cổ động trực quan, truyền thông, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp trong gia đình; phòng ngừa những tệ nạn tiêu cực xâm nhập vào đời sống gia đình. Đồng thời, nghiêm khắc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực PCBLGĐ. 

Với sự nỗ lực của cả cộng đồng, hy vọng rằng, trong thời gian tới, Vĩnh Châu sẽ khắc phục hạn chế, khó khăn, cùng chung sức thực hiện tốt hơn nữa Luật PCBLGĐ, góp phần xây dựng xã hội bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Mai Khôi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: