• Pháp luật - Bạn đọc

Nhiều giải pháp quyết liệt trong phòng, chống xâm hại trẻ em

17/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 17/09/2019 | 06:00

STO - Thời gian qua, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ (CBHVPN) nâng cao ý thức phòng ngừa xâm hại trẻ em. Từ đó, góp phần đáng kể trong công tác bảo vệ, chăm sóc và phòng tránh xâm hại cho trẻ em trên địa bàn.

Theo báo cáo từ Hội LHPN tỉnh, 5 năm qua (2015 - 2019), toàn tỉnh có 183 trẻ em gái bị xâm hại, trong đó các cấp hội LHPN phát hiện 51 trường hợp (các hình thức xâm hại: Hành hạ ngược đãi, đánh đập 2 trường hợp; xâm hại tình dục trẻ em 49 trường hợp). Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Loan – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thực thi công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, dù đã có sự nỗ lực cao nhưng hiện nay vẫn còn nhiều phụ nữ, trẻ em phải chịu những tác động tiêu cực của tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục (XHTD), buôn bán người. Trước thực trạng đó, hội LHPN các cấp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật để nâng cao ý thức cho cộng đồng, nhất là CBHVPN trong việc bảo vệ trẻ em không bị xâm hại.

Xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: Đ.H

Thông qua các cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua, các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép nhân các cuộc họp tổ, nhóm, CLB các cấp hội đã chú trọng tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ; phòng, chống mua bán người... Qua công tác tuyên truyền, giáo dục đã giúp cho trên 1 triệu lượt CBHVPN được nghe và đa số chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống XHTD.

Để thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em gái theo quy định của Luật Bình đẳng giới, Hội LHPN tỉnh ban hành chương trình hành động thực hiện khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách, góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ” nhiệm kỳ 2017 - 2022. Thường xuyên tham gia cùng đoàn giám sát của HĐND, MTTQ kiểm tra tình hình thực hiện luật pháp, chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.

Duy trì hoạt động của Trung tâm Tư vấn Hôn nhân và Gia đình trực thuộc Hội LHPN tỉnh. Trong 5 năm, trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ cho 20 trường hợp trẻ em bị xâm hại. Ra mắt, duy trì hoạt động 121 góc tư vấn tại cộng đồng nhằm kịp thời hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân khi xảy ra vụ việc. Thành lập đường dây nóng tư vấn về phòng, chống bạo lực của Tỉnh hội (0377.672.444) và cung cấp danh sách CB hội LHPN cấp tỉnh, huyện cho tổng đài quốc gia 111 để kịp thời can thiệp các vụ việc xâm hại trẻ em diễn ra trên địa bàn.

Phát huy vai trò trên 2.000 lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên của hội trong việc phát hiện, tố giác, can thiệp các vụ việc trẻ em bị xâm hại trên địa bàn. Khi phát hiện, nhận được tin báo, các cấp hội đã phối hợp đến thăm nạn nhân và gia đình, hỗ trợ tâm lý, giám sát quy trình can thiệp, hỗ trợ nạn nhân của các ngành chức năng. Hiện nay, Hội LHPN tỉnh đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục cho 6 bé bị xâm hại tiếp tục học phổ thông và học nghề tại cơ sở Nhịp cầu hạnh phúc - TP. Hồ Chí Minh và hỗ trợ tại gia; tổ chức cho 20 trẻ và gia đình trẻ bị XHTD thăm Nhịp cầu hạnh phúc tại TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo sự an tâm cho các trẻ và gia đình khi muốn ở và học tập tại đây.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Loan, mặc dù đã có nhiều chế tài trong việc xử lý hành vi xâm hại trẻ em, các cấp, các ngành đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động nhưng đối tượng, hành vi xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi và có chiều hướng gia tăng, số vụ việc nghiêm trọng liên tục xảy ra. Ảnh hưởng của mạng xã hội (internet), là nơi trẻ em dễ bị tấn công và nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ xâm hại công nghệ cao. Tình trạng thanh niên thiếu việc làm, sa vào các tệ nạn xã hội dẫn đến mất kiểm soát về hành vi (rượu chè, ma túy đá...) nên dễ dẫn đến vi phạm pháp luật (xâm hại trẻ em). Một số gia đình còn thiếu hiểu biết, nghe theo lời dụ dỗ của các đường dây môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài hoặc dụ dỗ đi lao động nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp, dẫn đến con gái bị mua bán, XHTD hoặc bị hành hạ, ngược đãi. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan từng lúc chưa kịp thời và chưa mang lại hiệu quả cao; một số vụ việc xâm hại trẻ em ngành chức năng xử lý còn chậm.

Trước thực tế đó, các cấp hội LHPN trong tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em... Tăng cường tư vấn, trợ giúp và hỗ trợ về mặt xã hội cho các nạn nhân cũng như gia đình của họ. Thực hiện có hiệu quả giải pháp về tư vấn tâm lý khi xảy ra vụ việc; trang bị kiến thức, kỹ năng tự vệ cho các em ngay từ nhỏ. Phát huy hiệu quả đường dây nóng phòng, chống xâm hại trẻ em các cấp.

Đồng thời đề xuất, sớm đưa chương trình giáo dục vấn đề XHTD, giáo dục giới tính theo từng bậc học trong nhà trường cho phù hợp. Giáo dục cho công chúng về những hậu quả tiêu cực của việc XHTD đối với trẻ em; ý thức, trách nhiệm phát hiện, trình báo và việc giữ lại bằng chứng để làm cơ sở tố cáo kịp thời kẻ có hành vi XHTD. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng (nhất là các cơ quan tư pháp công an - viện kiểm sát – tòa án) trong việc phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi liên quan đến việc XHTD trẻ em và có cơ chế bảo vệ nạn nhân cũng như người tố cáo để họ mạnh dạn khai báo, tố cáo.

Tiếp tục tăng cường các chiến lược cũng như chương trình quốc gia về phòng ngừa lạm dụng tình dục và buôn bán trẻ em. Hình thành một cơ chế thu thập số liệu về các thủ phạm và nạn nhân của những vụ XHTD trẻ em, phân chia theo giới tính, độ tuổi, nhằm đánh giá đầy đủ về tình trạng này và đề ra các chính sách, chương trình giải quyết vấn đề này. Tiến hành khảo sát toàn diện về số lượng trẻ em bị khiếm khuyết về thể chất, không nơi nương tựa, nhằm xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ và ngăn chặn các hành vi XHTD đối với các đối tượng này.

Xuân Hương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: