• Pháp luật - Bạn đọc

Những quy tắc đạo đức và ứng xử cần có của thẩm phán lĩnh vực hình sự

12/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 12/06/2019 | 06:00

STO - Thực hiện nghiêm túc Bộ Quy tắc đạo đức, ứng xử của thẩm phán gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Tòa hình sự Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh xem là “kim chỉ nam” trong quá trình thực hiện công vụ.

Theo đồng chí Lê Thanh Vũ - Phó Chánh án TAND tỉnh, năm 2019, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng liên quan trực tiếp đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng và rèn luyện, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng Bộ Quy tắc đạo đức, ứng xử của thẩm phán (theo Quyết định số 87/QĐ/HĐTC, ngày 4-7-2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia). Khi đó, thẩm phán, thư ký của Tòa hình sự đã nghiêm túc viết bản cam kết thực hiện chuyên đề và không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao về nhận thức, hành động.

TAND tỉnh kịp thời triển khai, quán triệt Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán gắn với việc học tập và làm theo Bác.

Khi thực hiện nhiệm vụ, mỗi thẩm phán Tòa hình sự luôn giữ gìn phẩm chất nghề nghiệp, không để bị tác động bởi bất cứ sự can thiệp nào. Vì xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc không thể thiếu của hoạt động xét xử, chuẩn mực mà mỗi thẩm phán tuyệt đối tuân thủ. Hơn nữa, trách nhiệm của thẩm phán là đi tìm sự thật của từng vụ việc cụ thể và căn cứ vào pháp luật để đưa ra phán quyết. Quá trình thực hiện cũng không ít trường hợp sẽ gặp phải những cám dỗ vật chất, tinh thần từ các đương sự hoặc gặp những rủi ro, nguy hiểm. Do đó, đòi hỏi thẩm phán phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng, dũng cảm, trong sạch, thẳng thắn và trung thực. Thẩm phán phải nghiêm khắc với chính mình, không cho phép bản thân, gia đình vụ lợi.

Một vấn đề mà các thẩm phán Tòa hình sự đã, đang và luôn phấn đấu thực hiện là đảm bảo công bằng trong từng thủ tục tố tụng cũng như trong từng phán quyết vụ việc. Cụ thể, thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bên cung cấp chứng cứ, tranh luận, trình bày ý kiến trước tòa. Khi đó, người thẩm phán phải biết tôn trọng, lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên, không được thiên lệch và đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước tòa (không phân biệt đối xử).

Người thẩm phán đòi hỏi phải thật sự công tâm và trách nhiệm, phải biết gạt bỏ mọi ấn tượng, định kiến cũng như cảm tình để giải quyết vụ việc một cách khách quan. Thẩm phán phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và các căn cứ pháp luật, tập quán, nguyên tắc của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc. Đặc biệt, khi thi hành công vụ, thẩm phán phải có thái độ, tác phong đúng mực, tạo cho những người tham gia tố tụng cảm nhận về một phiên tòa nghiêm minh, công bằng, có văn hóa ứng xử cao và mọi người đều được hội đồng xét xử tôn trọng. Tại phiên tòa, khi xét hỏi phải đảm bảo khách quan, toàn diện và ngôn ngữ phải trong sáng, dễ hiểu. Trong tất cả các phiên họp hoặc các văn bản tố tụng, thẩm phán tuyệt đối không đưa ra bất cứ nhận định nào gây xúc phạm người khác; có trách nhiệm duy trì trật tự, sự tôn nghiêm trong suốt quá trình xét xử.

Đặc thù của hoạt động xét xử còn đòi hỏi thẩm phán phải hết lòng vì nhiệm vụ, tận tụy và cống hiến hết mình vì công việc. Hiện nay, khối lượng công việc ngày càng nhiều nên đòi hỏi mỗi thẩm phán phải nỗ lực nhiều hơn thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với thẩm phán không chỉ nắm vững pháp luật mà còn phải trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về nhiều chuyên ngành khác để phục vụ cho công tác xét xử.

Đồng chí Lê Thanh Vũ cho biết, để nâng cao hiệu quả của vấn đề này, đơn vị sẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quán triệt thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức, ứng xử của thẩm phán; các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc tuyên truyền sẽ được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú. Lãnh đạo, cấp ủy đơn vị sẽ nêu gương trong việc thực hiện. Thẩm phán, cán bộ, công chức thường xuyên tự đánh giá và đơn vị sẽ tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện của từng cán bộ, đảng viên để tập thể đóng góp, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện bộ quy tắc, chuyên đề. Ngoài ra, còn thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát Bộ Quy tắc đạo đức, ứng xử của thẩm phán gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

C.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: