• Pháp luật - Bạn đọc

Các sở, ban ngành tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri

Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Thành Thanh trả lời kiến nghị của cử tri

24/05/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 24/05/2018 | 06:00

* Cử tri các huyện Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung và TX. Ngã Năm yêu cầu tăng cường các giải pháp để ngăn chặn và xử lý đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, sử dụng chất cấm trong bảo quản thực phẩm, nhất là đối với hàng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu). Bên cạnh đó, quản lý giá hàng hóa nông sản, giá đầu vào, bình ổn thị trường để nông dân yên tâm sản xuất và đảm bảo sản xuất có lãi.

Đồng chí Lê Thành Thanh trả lời: Từ đầu năm đến nay, qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 425 vụ, xử lý 215 vụ, thu nộp ngân sách 2,94 tỉ đồng. Cụ thể, về công tác tuyên truyền, vận động 1.304 cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm; không sang chiết, nạp gas trái phép. Đồng thời, tuyên truyền các quy định pháp luật về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố.

Về lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Sau đợt cao điểm thực hiện Kế hoạch số 102/KH-SCT, ngày 25-10-2016 của Sở Công thương về tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 50 vụ, xử lý 26 vụ vi phạm (13 vụ kinh doanh phân bón kém chất lượng, 8 vụ thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng và 5 vụ vi phạm khác), thu nộp ngân sách 322 triệu đồng.

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm: Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện thường xuyên và theo Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Qua đó, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, tập trung vào các dịp Tết Nguyên đán; “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, Tết Trung thu... Năm 2017, kiểm tra 114 vụ, xử lý 43 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 246 triệu đồng. Chủ yếu là vi phạm các quy định chung về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh như: không khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; vi phạm các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Về ổn định thị trường, giá cả hàng hóa: Nhìn chung năm 2017, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giá cả các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân ít biến động. Chỉ số giá tiêu dùng chung sau 11 tháng chỉ tăng 2,26% (riêng giá thực phẩm giảm 3,43% do heo hơi giảm sâu). Có thể nói, đó là kết quả của quá trình thực hiện bình ổn thị trường của các ngành, các cấp, trong đó có Sở Công thương, thông qua các hoạt động sau:

Hàng năm, Sở Công thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành và các doanh nghiệp có liên quan, lập và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán (kế hoạch bình ổn thường kéo dài khoảng 3 tháng). Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, cung ứng hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường.

Hàng năm, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp Siêu thị Co.opMart Sóc Trăng tổ chức 12 - 14 chuyến bán hàng Việt về nông thôn và được phê duyệt kinh phí từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để tổ chức các phiên chợ hàng Việt về các huyện (năm 2016, tổ chức 4 phiên chợ tại Long Phú, Cù Lao Dung, Châu Thành, TX. Ngã Năm; năm 2017, tổ chức 3 phiên chợ tại Long Phú, TX. Vĩnh Châu, TX. Ngã Năm). Song song đó, trong chương trình xúc tiến thương mại cấp tỉnh có kế hoạch hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ, phiên chợ, kết nối cung cầu ngoài tỉnh. Cung cấp thông tin giá mặt hàng thịt lợn tại địa phương cho Vụ Thị trường trong nước và đề nghị UBND cấp huyện, sở, ngành, các đơn vị liên quan và doanh nghiệp lớn trong tỉnh phối hợp thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thịt lợn.

Tuy nhiên, về vấn đề này, nên chăng cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần giúp người dân hiểu rõ thêm về quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường. Đó là việc cung ứng, tiêu thụ mặt hàng nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung đều bị, được chi phối bởi quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. Vì vậy, việc sản xuất nông sản đòi hỏi người nông dân cũng phải nắm bắt thông tin thị trường, tìm hiểu rủi ro và đưa ra quyết định phù hợp với năng lực bản thân và tình hình tiêu thụ trên thị trường.

Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, an toàn thực phẩm. Chú ý kiểm tra về chất lượng hàng hóa, việc chấp hành quy định pháp luật về giá... kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận khác trong hoạt động kinh doanh.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí, cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trong dịp lễ, tết. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng tết của người dân. Tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động kiểm tra đột xuất các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng nội dung tuyên truyền quy định pháp luật về giá, nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; vận động người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm.

Về ổn định giá cả hàng hóa nông sản, ổn định đầu ra để bà con yên tâm sản xuất: Tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long về kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường. Đẩy mạnh công tác kết nối cung cầu hàng hóa, giúp khai thông đầu ra cho hàng nông sản.

* Cử tri huyện Châu Thành đề nghị công bố sản phẩm đạt tiêu chuẩn trên thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng chí Lê Thành Thanh trả lời: Việc công bố sản phẩm đạt tiêu chuẩn trên thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, Sở Công thương không phải là đơn vị thực hiện chức năng này.

Đối với việc cử tri huyện Kế Sách đề nghị nâng mức hỗ trợ kinh phí khuyến công lên 50% nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở, theo Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND, ngày 25-4-2017 của UBND tỉnh là 30% chi phí đề án, nhưng không quá 150 triệu đồng. Sở Công thương xin ghi nhận và sẽ đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ tại Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND bằng với mức hỗ trợ quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT, ngày 18-2-2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.

N.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: