• Pháp luật - Bạn đọc

Các sở, ban ngành tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Thanh trả lời kiến nghị của cử tri

22/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: N.T
  • Thứ Sáu, 22/09/2017 | 06:00

* Cử tri huyện Long Phú đề nghị tăng cường công tác phối hợp quản lý và xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát sông trái phép, làm thay đổi dòng chảy và sạt lở ven sông.

Ông Trần Văn Thanh trả lời: Từ năm 2013 đến nay, tỉnh không cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2 giấy phép khai thác khoáng sản (cát lòng sông) còn hiệu lực là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hòa Tuấn và Doanh nghiệp tư nhân Long An. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tiến hành hoạt động khai thác. Nguyên nhân là do sản lượng khai thác thực tế thấp, chất lượng cát không đạt so với chỉ tiêu đánh giá ban đầu của dự án và người dân ngăn cản vì sợ nguy cơ sạt lở đất.

Hàng năm, Công an tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức sơ kết đánh giá kết quả phối hợp và ký kết quy chế phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị chức năng thuộc hai ngành phối hợp thực hiện tốt trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý đúng quy trình, quy định những trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; giải quyết kịp thời, dứt điểm các tin báo, phản ánh của nhân dân tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Đồng thời, làm chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc chấp hành quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường; góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và giữ gìn tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và duy trì thường xuyên. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản. Từ đó, góp phần tăng cường và đưa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay chỉ phát hiện 2 trường hợp khai thác cát trái phép và giao UBND huyện Kế Sách xử lý theo thẩm quyền (Chủ tịch UBND huyện ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 26 triệu đồng).

* Cử tri huyện Long Phú đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn người dân cách thức tiêu hủy chai lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường; hạn chế sản xuất, sử dụng túi nilông.

Ông Trần Văn Thanh trả lời: Theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, ngày 16-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng như sau: UBND xã, phường, thị trấn quy định địa điểm đặt bể chứa, triển khai xây dựng bể chứa đảm bảo yêu cầu theo quy định. Người sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải có trách nhiệm thu gom để vào bể chứa; để riêng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng; không sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào mục đích khác và không tự ý đốt hoặc đem chôn. Căn cứ vào thực tế từng địa phương, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã lựa chọn đơn vị thu gom hoặc ký hợp đồng với đơn vị có chức năng, năng lực xử lý (có giấy phép xử lý chất thải nguy hại) để thu gom, vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đến nơi quy định để xử lý.

Về kinh phí, hàng năm, UBND cấp xã tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo UBND cấp huyện; UBND cấp huyện tổng hợp tình hình trên địa bàn quản lý để báo cáo UBND tỉnh; UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện nội dung này. Năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND tỉnh giao triển khai mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, hiện sở đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tại xã Trường Khánh (Long Phú). Dự kiến cuối năm 2017 mô hình sẽ hoàn thành; sau đó, sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Đối với việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi nilông, từ năm 2012, túi nilông là đối tượng thuộc diện chịu thuế theo quy định tại Nghị định số 67/2011/NĐ-CP, ngày 8-8-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Mức thuế tuyệt đối với túi nilông là 30.000 đồng - 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, để hạn chế sử dụng túi nilông, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các giải pháp sau: các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hạn chế sử dụng túi nilông; kiến nghị Chính phủ tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilông.

* Cử tri huyện Mỹ Xuyên đề nghị xử lý tình trạng quá tải của bãi rác tại thị trấn Mỹ Xuyên và hỗ trợ kinh phí mua xe chở rác (loại 1 tấn) để chở rác ở địa bàn 2 xã Ngọc Tố và Hòa Tú 2.

Ông Trần Văn Thanh trả lời: Qua khảo sát thực tế, hiện nay bãi rác của thị trấn Mỹ Xuyên đã quá tải, không còn khả năng tiếp nhận rác. Bãi rác nằm trong nội ô của thị trấn gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Do vậy, để đảm bảo điều kiện môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với UBND huyện Mỹ Xuyên, trước mắt tiến hành thực hiện đóng cửa bãi rác của thị trấn. Trong thời gian này, toàn bộ lượng rác phát sinh mỗi ngày tại thị trấn sẽ được chuyển đến bãi rác liên xã Thạnh Phú - Thạnh Quới để xử lý. Mặt khác, đề nghị huyện Mỹ Xuyên chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiến hành lập dự án đầu tư mở rộng bãi rác Thạnh Phú - Thạnh Quới và phê duyệt theo quy định để triển khai trong đầu năm 2018 (theo Quyết định số 1049/QĐHC-CTUBND, ngày 3-10-2014 về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì bãi rác thị trấn Mỹ Xuyên sẽ được đầu tư mới trong giai đoạn 2016 - 2020). Về kinh phí mua xe chở rác, đề nghị huyện Mỹ Xuyên sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đã được tỉnh phân bổ cho huyện từ đầu năm 2017 để thực hiện theo quy định.

* Cử tri TP. Sóc Trăng đề nghị xử lý tình trạng xả nước thải của Khu Công nghiệp An Nghiệp làm ảnh hưởng sản xuất của người dân.

Theo ông Trần Văn Thanh, hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu Công nghiệp An Nghiệp đã được đầu tư nâng cấp từ quy mô xử lý 4.000m3/ngày - đêm lên 10.000m3/ngày - đêm và đã thu gom toàn bộ lượng nước thải phát sinh của khu công nghiệp vào xử lý từ giữa tháng 5-2017. Qua theo dõi kết quả phân tích chất lượng nước thải sau khi xử lý, thì các thông số đều đạt cột B, QCVN 40:2011/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Đến nay, chất lượng nước thải sau khi xử lý khá ổn định. Hiện nay, Công ty Kỷ Nguyên là đơn vị vận hành hệ thống cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý theo quy định.

Đầu tháng 6-2017, UBND huyện Châu Thành đã tiến hành thi công nạo vét kênh Thẻ 25, giải pháp thi công là dùng xáng cạp nên trong quá trình thi công đã làm xáo trộn, gây đục nguồn nước, các chất ô nhiễm còn tích tụ trong lòng kênh phát sinh mùi hôi; từ đó, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của người dân để tưới lúa. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND huyện Châu Thành và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình thi công kênh Thẻ 25 và đề nghị đơn vị thi công có các biện pháp bảo đảm quá trình thi công không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân xung quanh. Ngoài ra, dọc theo Quốc lộ 1A có một số cơ sở sản xuất (chủ yếu là cơ sở sản xuất bánh pía, lạp xưởng, nhà trọ, cửa hàng kinh doanh ăn uống...) xả thải vào kênh hậu nhưng lưu lượng nước thải ra không lớn. Đề nghị UBND huyện Châu Thành tiếp tục kiểm tra tình hình xả thải của các cơ sở này.

* Cử tri huyện Long Phú đề nghị các ngành chức năng đánh giá kỹ tác động môi trường và có giải pháp xử lý, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân địa phương khi Nhà máy Nhiệt điện Long Phú vận hành.

Ông Trần Văn Thanh trả lời: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2211/QĐ-BTNMT, ngày 17-11-2009. Theo đó, chủ dự án phải thực hiện đúng những nội dung đã được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và những yêu cầu bắt buộc sau: Thiết kế, xây lắp và vận hành hệ thống xử lý khí thải lò hơi đảm bảo đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường. Thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường trước khi thải ra sông Hậu. Thiết kế, xây dựng, vận hành và đóng cửa bãi thải xỉ đảm bảo các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường. Thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống tiếp nhận dầu và các loại nguyên, nhiên liệu, vật liệu khác cung cấp cho nhà máy theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát thải lượng và nồng độ bụi, SO2, NOx, CO2 trong khí thải trước khi thoát ra khỏi ống khói của nhà máy.

Ngoài ra, chủ dự án phải thực hiện các biện pháp về quản lý việc lấy nước làm mát, xử lý và xả thải sau khi sử dụng; quản lý, kiểm soát việc xả thải của tàu, thuyền ra vào bến cảng; đảm bảo các quy trình kỹ thuật trong quá trình vận hành các thiết bị, đường ống nhằm đảm bảo không bị rò rỉ, phát tán khí thải, bụi ra môi trường xung quanh; thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường, lưu giữ số liệu để cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kiểm tra khi cần thiết. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư các công trình xử lý môi trường, đảm bảo phải đầu tư đầy đủ, hoàn thành và được kiểm tra, xác nhận trước khi Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 đi vào vận hành chính thức.

Tháng 3-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đoàn công tác (gồm lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc sở, lãnh đạo UBND huyện Long Phú, UBND xã Long Đức, Phòng Cảnh sát Môi trường; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Phú) tham quan Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải - Trà Vinh học tập kinh nghiệm. Qua đó, được học tập về những kinh nghiệm quản lý môi trường và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải - Trà Vinh. Hướng tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tham mưu đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực để tăng cường quản lý các vấn đề môi trường phát sinh tại Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.

* Cử tri huyện Mỹ Tú đề nghị giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, như: thủ tục đăng ký xác lập hoặc thay đổi quyền sử dụng đất, đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp, đăng ký giao dịch bảo đảm...

Ông Trần Văn Thanh trả lời: Khi xây dựng Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND, ngày 6-5-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục; thời gian các bước thực hiện thủ tục của từng cơ quan, đơn vị có liên quan đối với thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn Sóc Trăng, thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã được rút ngắn hơn so với thời gian quy định tại Điều 61, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ. Theo quy định, thời gian thực hiện thủ tục đính chính trên giấy chứng nhận là 15 ngày, thủ tục xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp là 5 ngày và thủ tục đăng ký thế chấp, xóa thế chấp là 2 ngày. Thực tế hiện nay, huyện Mỹ Tú đã giải quyết rút ngắn thời gian còn 5 ngày đối với thủ tục đính chính; 3 ngày đối với thủ tục xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp và 1 ngày đối với thủ tục đăng ký thế chấp, xóa thế chấp.

Ngày 6-1-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có sửa đổi Điều 61, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, nên thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai giảm rất nhiều. Vì vậy, Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh hiện không còn phù hợp. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND và đang lấy ý kiến của các ngành, trình UBND tỉnh ban hành quyết định cho phù hợp với quy định mới. Theo dự thảo, đa số các thủ tục hành chính được xây dựng theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện từ 10% - 50%. Riêng 3 thủ tục mà cử tri phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến rút ngắn như sau: Thủ tục đính chính giấy chứng nhận theo quy định 15 ngày, dự kiến rút ngắn còn 5 ngày. Thủ tục xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp quy định 5 ngày, dự kiến rút ngắn còn 1 ngày. Thủ tục đăng ký thế chấp, xóa thế chấp quy định 2 ngày, dự kiến rút ngắn còn 1 ngày.

* Cử tri huyện Cù Lao Dung đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn địa phương thực hiện công tác chỉnh lý biến động đất đai đối với các công trình, dự án đã vận động nhân dân hiến đất hoặc thu hồi có bồi hoàn nhưng đến nay chưa thực hiện chỉnh lý.

Ông Trần Văn Thanh trả lời: Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai phải thực hiện thường xuyên và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, ngày 19-5-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua do điều kiện nhân lực, kinh phí thực hiện, áp lực tiến độ giải phóng mặt bằng... nên các chủ đầu tư và các địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉnh lý biến động các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án không có kinh phí giải phóng mặt bằng. Để tăng cường công tác quản lý đất đai trong thời gian tới, cũng như theo kiến nghị của cử tri, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cù Lao Dung, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cù Lao Dung cập nhật chỉnh lý biến động đất đai theo quy định, nhất là các công trình mới phát sinh.

Riêng các công trình đã phát sinh trước đây chưa được chỉnh lý, đặc biệt là các công trình, dự án đã vận động nhân dân hiến đất (không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng), Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xây dựng phương án thực hiện chỉnh lý biến động từ nguồn kinh phí sự nghiệp địa chính hàng năm. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên chỉ đầu tư thực hiện ở những địa phương bức xúc trước. Để giải quyết căn cơ, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các chủ đầu tư, các địa phương khi thực hiện thu hồi đất giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án phải bố trí kinh phí thực hiện chỉnh lý biến động, khi chi trả tiền bồi thường phải quan tâm đến công tác thu hồi giấy chứng nhận để cơ quan chức năng chỉnh lý biến động đất đai theo quy định.  

 * Cử tri huyện Mỹ Xuyên đề nghị sớm đầu tư bãi rác xã Thạnh Phú.

Ông Trần Văn Thanh cho biết, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Mỹ Xuyên đã được phê duyệt có quy hoạch mở rộng bãi rác xã Thạnh Phú thêm 1ha (hiện trạng đã có là 1,15ha). UBND huyện Mỹ Xuyên có văn bản đề nghị triển khai thực hiện trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh trình tại kỳ họp giữa năm để thông qua chủ trương cho phép thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện.

* Cử tri huyện Mỹ Xuyên kiến nghị cần quy định cụ thể vùng hay khu vực cho khai thác đất mặt mà không làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Ông Trần Văn Thanh trả lời: Hiện nay, việc khai thác đất mặt vẫn còn diễn ra tại một số địa phương, như: TP. Sóc Trăng, huyện Long Phú, huyện Mỹ Xuyên, huyện Trần Đề. Pháp luật về đất đai khuyến khích người sử dụng đất đầu tư bảo vệ, cải tạo đất, làm tăng độ màu mỡ của đất. Tuy nhiên, việc khai thác lớp đất mặt sẽ làm biến dạng địa hình, hạ độ cao tầng đất, làm suy giảm chất lượng đất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, làm giảm năng suất cây trồng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra việc khai thác đất mặt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định: trên địa bàn tỉnh không cần thiết phải hạ độ cao xuống mà chỉ khuyến khích cải tạo mặt bằng cho bằng phẳng, không lấy đất đi chỗ khác; những nơi có địa hình cao chỉ cần chuyển đổi loại cây trồng cho phù hợp. Đồng thời, UBND tỉnh có Thông báo số 24/TB-VP, ngày 1-4-2013 không cho phép tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khai thác lấy tầng mặt đất trồng lúa. Hiện chưa có quy định cụ thể về vùng hay khu vực cho khai thác đất mặt.

* Cử tri TX. Vĩnh Châu đề nghị hỗ trợ địa phương trong việc giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng cơ bản, dự án trọng điểm, khắc phục những khó khăn trong kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn được hiệu quả hơn.

Theo ông Trần Văn Thanh, thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác giải phóng mặt bằng đa số thuộc thẩm quyền thu hồi đất của địa phương và do địa phương tự phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện định giá đất cụ thể để làm căn cứ áp giá bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng, những trường hợp khó khăn, vướng mắc cấp huyện đều báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị hướng dẫn, xin ý kiến và sở đã hướng dẫn cấp huyện về chuyên môn hoặc những trường hợp vượt thẩm quyền thì sở tổng hợp báo cáo, đề xuất, trình UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.

Do không nêu rõ hỗ trợ địa phương về những vấn đề nào nên sở không thể trả lời chính xác kiến nghị nêu trên của cử tri. Đề nghị UBND TX. Vĩnh Châu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ thì liên hệ trực tiếp Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn.

* Cử tri quan tâm đến tình hình thực hiện công tác chỉnh lý biến động đất đai, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Ông Nguyễn Hoàng Dân - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời: Hiện nay, công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành, tổng số đã cấp 428.932 giấy, với diện tích 280.418ha; chủ yếu được cấp trên nền bản đồ giải thửa, điều vẽ từ không ảnh được thành lập từ năm 1980. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án an ninh - quốc phòng, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sang bán, chuyển QSDĐ trên địa bàn tỉnh diễn ra phổ biến nên hiện trạng đất đã thay đổi nhiều so với hồ sơ địa chính, gây nhiều khó khăn trong quản lý đất đai.

Trước yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý nhà nước về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 872/BTNMT-ĐKTKĐĐ, ngày 13-3-2008 về việc lập dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Thực hiện công văn chỉ đạo trên, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1582/QĐHC-CTUBND, ngày 4-12-2008. Thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg, ngày 24-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đến nay, đã thực hiện 40/109 xã, phường, thị trấn. Tổng số hồ sơ cấp giấy đã thiết lập 128.942 hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền đã ký 77.787 giấy chứng nhận. Qua thống kê, hiện còn 40.473 giấy chưa cấp đổi. Trong đó có 21.276 giấy chưa cấp đổi được do đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng và 19.197 giấy cấp đổi có phát sinh nghĩa vụ tài chính (có thay đổi ranh giới, thay đổi mục đích sử dụng) nhưng chủ sử dụng đất khó khăn nên chưa thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với các đơn vị có liên quan áp dụng nhiều giải pháp, như: cung cấp danh sách cho các tổ chức tín dụng khi đáo hạn phải cấp đổi giấy mới, cung cấp danh sách cho UBND cấp xã thông báo cho người sử dụng đất cấp đổi giấy mới. Tuy nhiên, tiến độ cấp đổi còn chậm. Nguyên nhân được xác định là do đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng, có phát sinh nghĩa vụ tài chính, nhưng chủ sử dụng đất chưa thực hiện nên chưa cấp đổi; những trường hợp cấp mới còn tồn là do chủ sử dụng đất khó khăn về kinh tế chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chủ sử dụng đất không đồng ý ghi nợ tiền sử dụng đất.

Để thực hiện công tác cấp đổi, ngày 25-8-2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có biên bản làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất việc đổi giấy chứng nhận đang thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, do việc cấp đổi giấy chứng nhận theo hồ sơ đo đạc chính quy có khác về số thửa, bản đồ, diện tích nên chưa tổ chức đổi giấy chứng nhận theo biên bản thống nhất trước đây.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, ngày 17-5-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thống nhất với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Sóc Trăng và đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-STNMT-AGRIBANK về việc thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ tay ba giữa người sử dụng đất, tổ chức tín dụng và văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh, phía ngân hàng bổ sung phụ lục hợp đồng cho việc thay đổi số thửa, tờ bản đồ, diện tích. Hiện nay, các địa phương đang phối hợp tổ chức thực hiện. Theo kế hoạch trong năm 2017, sẽ cấp đổi giấy chứng nhận còn tồn thuộc dự án tổng thể.

* Cử tri quan tâm về hỗ trợ đất ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá tốt. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ thụ hưởng chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Hoàng Dân trả lời: Việc hỗ trợ đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương thực hiện khác nhau. Cụ thể, một số địa phương hỗ trợ bằng tiền, người dân tự thỏa thuận chuyển nhượng; có địa phương làm trung gian hỗ trợ thủ tục chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng cho người dân; có địa phương thực hiện thu hồi đất tập trung, sau đó phân lô cấp lại cho các đối tượng thụ hưởng hoặc thu hồi đất phân tán để cấp lại cho đối tượng. Do đó, khi lập thủ tục cấp giấy chứng nhận gặp rất nhiều khó khăn, như: nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm nhà ở nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp tại ngân hàng, nên không thể tách thửa để cấp giấy cho người nhận chuyển nhượng.

Việc phối hợp giữa Ban Dân tộc và ngành Tài nguyên và Môi trường chưa tốt, hướng dẫn các hộ được hưởng chính sách nhận chuyển nhượng đất làm nhà ở chưa đảm bảo theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ban Dân tộc chỉ đạo các phòng dân tộc cấp huyện phối hợp chặt chẽ với ngành Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn các đối tượng hưởng chính sách nhận chuyển nhượng đất những nơi phù hợp quy hoạch và có đủ điều kiện lập thủ tục chuyển quyền theo quy định, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Đối với những trường hợp đã nhận chuyển nhượng bằng giấy tờ tay trước đây mà bên chuyển nhượng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì hướng dẫn người nhận chuyển nhượng lập thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo văn phòng đăng ký đất đai tổng hợp, rà soát và làm việc với các tổ chức tín dụng, khi vay đáo hạn không giải quyết các trường hợp này, do đã có biến động ngoài thực tế và yêu cầu những hộ này phải cấp đổi giấy chứng nhận để điều chỉnh diện tích đã chuyển quyền. Sau đó, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng theo quy định.

N.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: