• Pháp luật - Bạn đọc

Các sở, ban ngành tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Khải trả lời kiến nghị của cử tri

22/12/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 22/12/2017 | 06:00

Cử tri huyện Kế Sách và huyện Mỹ Xuyên đề nghị đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực y tế đối với các trạm y tế xã.

Bác sĩ Trần Văn Khải trả lời: Hiện nay, toàn tỉnh có 109 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có 35 trạm y tế được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; còn lại 42 trạm y tế cần phải xây mới, vì xuống cấp trầm trọng không còn sửa chữa được; 32 trạm y tế đã xuống cấp cần phải sửa chữa, cải tạo nâng cấp.

Năm 2017, UBND tỉnh đã cân đối từ các nguồn ngân sách tiết kiệm được của địa phương để đầu tư xây dựng bổ sung thêm 5 trạm y tế. Như vậy, còn lại 37 trạm y tế, tỉnh không có khả năng cân đối để đầu tư. Bên cạnh đó, Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh gửi văn bản về Bộ Y tế xem xét hỗ trợ địa phương một phần kinh phí để xây dựng thêm 10 trạm y tế mới cho các huyện thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào Khmer, nhằm đáp ứng việc nâng cấp y tế cơ sở, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng.

Sở Y tế đang triển khai thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 246/QĐHC-CTUBND, ngày 28-3-2012. Mục tiêu của đề án này là đến năm 2015, tỉnh Sóc Trăng sẽ có 5,5 bác sĩ/10.000 dân và đến năm 2020 có 6,5 bác sĩ/10.000 dân. Trung bình mỗi năm đào tạo 82 cán bộ đại học, trong đó có 50 bác sĩ; 16 dược sĩ; 16 cử nhân các loại. Ưu tiên đào tạo cán bộ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo thuộc các dự án để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng sâu, vùng xa; động viên cán bộ trong ngành có năng lực và tạo điều kiện cho đi học, chi trả học phí; cử cán bộ tham dự tại tất cả các loại hình đào tạo, đào tạo theo địa chỉ ở tuyến xã, phường, thị trấn nhằm phát huy hết khả năng và chỉ tiêu cho phép. Đối với cán bộ trẻ nếu học lực giỏi được ưu tiên cho học chuyên tu bác sĩ theo các loại hình đào tạo liên thông.

Ngoài ra, hàng năm, các trường đại học y, dược có tổ chức tuyển sinh bác sĩ đa khoa, chuyên khoa hệ liên thông, Sở Y tế đã tạo điều kiện cho cán bộ y tế có trình độ y sĩ và có đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định tham gia dự tuyển. Qua đó, số cán bộ đạt điểm chuẩn sẽ trúng tuyển. Còn số cán bộ chưa đạt điểm chuẩn trúng tuyển, thì hàng năm, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường Đại học Y Dược Cần thơ có dành cho tỉnh Sóc Trăng một số chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ hệ liên thông. Tuy nhiên, chỉ tiêu là giao cho tỉnh chứ không phân cho từng huyện nên khi xét tuyển áp dụng theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp của tất cả thí sinh của tỉnh cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Cử tri huyện Cù Lao Dung đề nghị xem xét, hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế theo quy chuẩn đối với các trạm y tế xã.

Bác sĩ Trần Văn Khải trả lời: Thực hiện Công văn số 1792/VP-XD, ngày 15-5-2017 của UBND tỉnh về việc tổng hợp nhu cầu hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn Sóc Trăng, Sở Y tế phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, xác định nhu cầu đầu tư và xếp thứ tự ưu tiên trạm y tế xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là các trạm y tế nằm trong khu vực bị ô nhiễm cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế.

Sau khi tổng hợp, Sở Y tế xin báo cáo nhu cầu đầu tư trạm y tế trên địa bàn tỉnh như sau: Trạm y tế có hệ thống xử lý nước thải là 19 trạm và chưa có là 90 trạm. Tuy nhiên, các hệ thống xử lý nước thải trạm y tế đều chưa có thiết bị để xử lý đạt chuẩn môi trường, chỉ có hệ thống thu gom về hầm lắng thải ra ngoài. Nhu cầu cần xây dựng mới bao gồm hệ thống thu gom xử lý chất thải để đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là 42 trạm và nhu cầu cần cải tạo, sửa chữa, nâng cấp là 32 trạm. Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh nhưng hiện nay chưa có nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Cử tri huyện Long Phú đề nghị không giải thể Phòng khám Đa khoa khu vực Đại Ngãi theo đề án của tỉnh.

Bác sĩ Trần Văn Khải cho biết: Theo quy hoạch lộ trình đến năm 2020 của Bộ Y tế, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo thanh toán bảo hiểm y tế sẽ xóa dần các cơ sở y tế trung gian không phát triển trở thành bệnh viện, vì thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và không đảm bảo nguồn nhân lực. Ngoài ra, đối với công tác khám chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế đối với phòng khám đa khoa khu vực hiện nay hết sức khó khăn, làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Riêng Phòng khám Đa khoa khu vực Đại Ngãi (Long Phú), Sở Y tế ghi nhận ý kiến cử tri và có cuộc khảo sát chi tiết về quy mô hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

Cử tri TP. Sóc Trăng đề nghị thường xuyên kiểm tra, xử lý nguồn nước sinh hoạt do Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng cung cấp, vì nước có nhiều phèn, đôi khi bị đục.

Theo bác sĩ Trần Văn Khải: Thực hiện Thông tư số 50/2015/TT-BYT, ngày 11-12-2015 của Bộ Y tế quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt, đối với Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng, Sở Y tế thực hiện giám sát 11 nhà máy, xí nghiệp toàn tỉnh 1 tháng/1 lần/1 nhà máy bao gồm giám sát vệ sinh chung định kỳ và lấy mẫu nước xét nghiệm định kỳ hàng tháng theo QCVN 01/2009/BYT. Qua 5 đợt giám sát và lấy mẫu nước xét nghiệm, các nhà máy, xí nghiệp đều đạt theo tiêu chuẩn, trong đó có một số trạm không đạt vi sinh như: Thạnh Trị, Kế Sách, Mỹ Tú.

Lấy mẫu xét nghiệm (lần 2), đối với xí nghiệp Mỹ Tú xét nghiệm tháng 5 là đạt; đối với xí nghiệp Thạnh Trị, Kế Sách đang lấy mẫu chờ kết quả; đối với 2 nhà máy thuộc TP. Sóc Trăng đều đạt tiêu chuẩn. Theo kế hoạch, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện Thông tư số 50/2015/TT- BYT của Bộ Y tế.

Cử tri huyện Mỹ Tú đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm; đồng thời, tăng cường công tác quản lý và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bác sĩ Trần Văn Khải trả lời: Những mặt làm được:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý an toàn thực phẩm: Luật An toàn thực phẩm (ATTP); Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, ngày 25-4-2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP; Nghị định số 178/2013/NĐ-CP, ngày 14-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Đặc biệt, lần đầu tiên lĩnh vực ATTP có nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng và công khai tên cơ sở vi phạm.

Thứ hai, hệ thống tổ chức quản lý ATTP được hình thành từ tỉnh đến xã. Ngành Y tế có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; UBND huyện, thị xã, thành phố có phòng y tế; UBND xã, phường, thị trấn có trạm y tế.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Đối với công tác thanh, kiểm tra về ATTP, hàng năm, được thực hiện theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, trong đó tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu. Trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế đã thành lập 241 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, với sự tham gia của các ngành chức năng gồm: y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, công an... thanh tra, kiểm tra tại 3.279 cơ sở, phát hiện 496 cơ sở vi phạm. Xử phạt vi phạm hành chính 26 cơ sở, với số tiền 44.500.000 đồng. Kết quả xử phạt bước đầu đã thể hiện tính răn đe đối với các cơ sở vi phạm quy định về ATTP. Các trường hợp vi phạm đã được thông báo công khai, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định.

Cùng với việc xử phạt hành chính, các đoàn thanh tra, kiểm tra tỉnh, huyện kiên quyết xử lý tiêu hủy 7 sản phẩm không đảm bảo ATTP (nước đá dùng liền, mì gói, kẹo...). Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã tiến hành lấy 28 mẫu kiểm nghiệm (2/3 mẫu nước uống đóng chai đạt các chỉ tiêu vi sinh theo QCVN 6-1:2010/BYT, 18/24 mẫu nước đá dùng liền có chỉ tiêu vi sinh đạt theo QCVN 10:2011/BYT, 1 mẫu rượu trắng có kết quả kiểm định lượng Methanol kết quả đạt theo TCVN 7043:2013). Ngoài việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, ngành y tế tổ chức 2 đợt giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên thị trường; kết quả 14/15 mẫu đạt (1 mẫu nước đá không đạt chỉ tiêu Coliforms). Kết quả kiểm nghiệm đã góp phần tích cực giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp; đồng thời, cảnh báo mối nguy ATTP đạt hiệu quả.

Thứ tư, công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn được ngành y tế quan tâm và đẩy mạnh. Qua công tác tuyên truyền đã giúp nâng cao nhận thức, thực hành về ATTP của các nhóm đối tượng. Ngoài ra, tập huấn 5 lớp kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống với 137 người tham dự.

Thứ năm, công tác phối hợp liên ngành đã có nhiều cố gắng, 100% tỉnh, huyện, xã đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP. Riêng Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Đồng thời, giúp việc cho Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP còn có tổ giúp việc, định kỳ 6 tháng họp 1 lần. Ngoài ra, tổ chức rất nhiều cuộc họp đột xuất để giải quyết các sự cố về ATTP. Nhờ vậy, nhiều vụ việc về ATTP đã được giải quyết nhanh chóng.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo ATTP thực tế vẫn còn tồn tại những vấn đề sau: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ để quản lý ATTP nhưng số lượng văn bản nhiều, do 3 ngành: y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương cùng ban hành văn bản quản lý đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý gây khó khăn trong triển khai thực hiện. 2/11 huyện và 72/109 xã, phường, thị trấn chưa kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP.

Tuyến huyện, xã mặc dù tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý vi phạm hành chính rất thấp, chưa mang tính răn đe. Việc thực thi pháp luật tại huyện, xã còn mang tính hình thức; chưa công khai và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về ATTP tuyến huyện, xã còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn. Đặc biệt, tuyến xã, phường, thị trấn không có người làm chuyên môn sâu về ATTP dẫn đến việc hiểu và áp dụng văn bản chưa hiệu quả. Công tác hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên, hình thức và nội dung tuyên truyền chưa được phong phú, chỉ tập trung cao điểm vào những ngày lễ, tết do người phụ trách công tác truyền thông ATTP tại huyện, thị xã, thành phố thay đổi liên tục.

Để đảm bảo ATTP, ngành y tế đưa ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích hộ kinh doanh sản xuất thực phẩm đầu tư theo hướng sản xuất quy mô lớn, đảm bảo ATTP và phù hợp với đặc thù của địa phương. Tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP huyện, xã. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp theo quy định của Luật ATTP, Chỉ thị số 13/CT-TTg trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn. Đặc biệt là việc kiểm soát ATTP thức ăn đường phố. Giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, hóa chất độc hại. Tăng cường kiểm soát thực phẩm chức năng, đặc biệt là các thực phẩm nhập lậu.

Để nâng cao bảo đảm ATTP thì không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân, tập trung vào các đối tượng sau: Đối với người tiêu dùng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục, có tính hệ thống; cung cấp đầy đủ thông tin, phân tích đánh giá đúng thực trạng, đưa ra khuyến cáo cần thiết cho người tiêu dùng tự bảo vệ mình. Khắc phục những thông tin không chính xác, làm thiệt hại cho người sản xuất và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng thực phẩm; chặt chẽ và thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP cho người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm các quy định về ATTP, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển đúng định hướng, tuân thủ nghiêm quy trình và các quy định về ATTP khi đi vào hoạt động.

Tiếp tục củng cố, ổn định cán bộ chuyên trách ATTP từ huyện, xã; tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông cho cán bộ chuyên trách. Tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP nhất là ở cấp huyện, xã; xử lý nghiêm khắc những đối tượng vi phạm (đã nhắc nhở nhiều lần), có như vậy mới giúp những cơ sở thực sự có chất lượng tồn tại và phát triển, những cơ sở thiếu ý thức, điều kiện cần thiết buộc phải dừng hoạt động. Qua đó, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm nguy hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ngoài ra, tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, như: bếp ăn tập thể, căn tin kinh doanh ăn uống trên địa bàn, nhằm ngăn chặn và khắc phục kịp thời các nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Tổ chức kiểm tra chuyên ngành ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... góp phần bảo đảm ATTP một cách hiệu quả nhất để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. UBND huyện, xã cần xử phạt nghiêm đối với các trường hợp sản xuất, vận chuyển, buôn bán, chế biến vi phạm các quy định về ATTP được phát hiện tại địa phương.

N.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: