• Pháp luật - Bạn đọc

Phòng, chống tham nhũng, từ công tác thanh tra

27/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 27/06/2019 | 06:00

STO - Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh. Các ngành, các cấp đã có những giải pháp đưa công tác PCTN đi vào chiều sâu. Để hiểu rõ hơn về điều này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Lê Trọng Nguyên - Chánh Thanh tra tỉnh.

Phóng viên: Đồng chí nhận định như thế nào về diễn biến tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Lê Trọng Nguyên: Tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Xét về kinh tế, tham nhũng sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân. Về xã hội, tham nhũng xâm phạm đến những chuẩn mực đạo đức, xã hội, tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Tham nhũng có thể xảy ra các lĩnh vực trong xã hội, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm. Cán bộ, công chức, viên chức nếu họ “không giữ được mình” và không gương mẫu trong thực thi trọng trách được giao thì có thể xảy ra tham nhũng.

Những năm gần đây, các vụ án, vụ việc tham nhũng phát sinh trên địa bàn tỉnh không nhiều và tính chất cũng không phức tạp. Tuy nhiên, tham nhũng luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra với tính chất, mức độ vi phạm phức tạp, tinh vi hơn, đặc biệt là ở những lĩnh vực như: Tín dụng, tài chính, ngân hàng, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đền bù giải phóng mặt bằng… Do đó, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nói chung cần tiếp tục quan tâm và có các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn.

Phóng viên: Đồng chí vui lòng cho biết, kết quả hoạt động của công tác thanh tra PCTN trong thời gian gần đây?

Đồng chí Lê Trọng Nguyên: Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã triển khai 23 cuộc thanh tra hành chính (theo kế hoạch 20 cuộc; đột xuất 3 cuộc). Nội dung, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, thu, chi tài chính ngân sách, xây dựng cơ bản. Qua thanh tra đã phát hiện có 9 đơn vị sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, công tác xây dựng cơ bản; sai phạm về tiền là 3.413,60 triệu đồng, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 3.131,04 triệu đồng, kiến nghị khác 282,56 triệu đồng. Đồng thời, kiến nghị chấn chỉnh rút kinh nghiệm các đơn vị có liên quan theo quy định và kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 19 cá nhân có sai phạm.

Ở lĩnh vực thanh tra chuyên ngành, các sở, ngành của tỉnh đã tiến hành 499 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với 1.782 đối tượng được thanh, kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện 185 tổ chức và cá nhân có vi phạm trên các lĩnh vực như: nông nghiệp, quảng cáo, xây dựng không có giấy phép, vi phạm về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, vi phạm về lĩnh vực y tế và vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các đoàn đã ban hành 185 quyết định xử phạt với số tiền phạt 1.140,26 triệu đồng và tịch thu 40 triệu đồng sai phạm.

6 tháng đầu năm 2019, đã tiếp nhận 754 đơn (196 đơn khiếu nại, 46 đơn tố cáo, 512 đơn phản ánh, kiến nghị khác) và đã giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền đạt gần 90%. Qua đó, đã kiến nghị các cấp khôi phục quyền, lợi ích cho người dân 92 triệu đồng và 368m2 đất. Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền đạt trên 93% và cơ quan còn phát hiện 1 vụ việc liên quan đến tham nhũng. Tòa án đã đưa ra xét xử 1 vụ án liên quan đến tham nhũng.

Phóng viên: Qua công tác thanh tra, đồng chí nhận định như thế nào về công tác PCTN hiện nay?

Đồng chí Lê Trọng Nguyên: Thời gian qua, công tác PCTN luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện khá đồng bộ các mặt công tác và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Ở địa phương, công tác PCTN ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Các cơ quan tư pháp có nhiều nỗ lực trong phối hợp điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng. Từ đó, nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đối với công tác đấu tranh PCTN được nâng lên rõ rệt.

Mặc dù đã quan tâm đẩy mạnh nhưng vẫn còn một số ít thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị lúng túng trong việc đề ra các giải pháp, phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng hoặc có làm nhưng thiếu trọng tâm, trọng điểm. Một vài đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác tự kiểm tra phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng...

Phóng viên: Thưa đồng chí, quá trình thực hiện công tác thanh tra, tình hình triển khai thực hiện công tác PCTN còn có hạn chế, khó khăn gì?

Đồng chí Lê Trọng Nguyên: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN tuy được quan tâm bằng nhiều hình thức phong phú và đạt một số hiệu quả nhất định, nhưng xét về yêu cầu vẫn còn một số hạn chế như: còn thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành; nội dung tuyên truyền còn mang nặng tính khái quát, thiếu cụ thể; nhiều nơi thực hiện chưa thường xuyên...

Công tác phát hiện và xử lý vụ việc liên quan đến hành vi tham nhũng thường chưa kịp thời. Việc thực hiện quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg, ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ còn mang tính hình thức, khó thực hiện, hiệu quả thấp; vì việc “tặng quà” và “nhận quà” rất khó giám sát, quản lý...

Phóng viên: Như vậy, cần phải làm gì để tăng cường công tác PCTN, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Trọng Nguyên: Tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản, quy định về PCTN và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, tố giác tội phạm tham nhũng; thực hiện tốt công tác minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định. Bên cạnh đó, phải chủ động, tích cực thực hiện tốt các quy định, quy chế về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng. Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật PCTN năm 2018, Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và các văn bản có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đối với công tác này. Đối với ngành, Thanh tra tỉnh sẽ quán triệt Chỉ thị số 769/CT-TTCP, ngày 17-5-2019 của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra.

Để đẩy lùi tham nhũng không phải trách nhiệm của riêng một cá nhân, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Chính vì vậy, các ngành, các cấp phải tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp và quyết liệt hơn đối với công tác đấu tranh PCTN.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Sớm Mai (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: