• Pháp luật - Bạn đọc

Quyết liệt loại trừ “tín dụng đen”

17/11/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: V.Đ
  • Chủ Nhật, 17/11/2019 | 06:00

Kỳ 2: Cần biết và tránh xa tội phạm cho vay lãi nặng

STO - Hành vi cho vay lãi nặng (CVLN) đang “ngấm ngầm” lan rộng ở thành thị và cả nông thôn. Nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội, làm gia tăng tội phạm khác như: cố ý gây thương tích, cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản... Việc xử lý hình sự đối với tội phạm CVLN trong giao dịch dân sự là hết sức cần thiết và có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Các cơ quan tố tụng thường xuyên trao đổi để có sự thống nhất trong giải quyết án, nhất là án liên quan đến "tín dụng đen". Ảnh: V.Đ

Hoạt động CVLN diễn ra trên phạm vi rộng; cho vay với nhiều người, không ghi địa chỉ cụ thể người vay; khi bị phát hiện thì đối tượng đã bỏ trốn (không biết tên, địa chỉ). Có trường hợp cơ quan điều tra phát hiện nhưng không khởi tố vụ án hình sự được. Việc xử lý loại tội phạm liên quan đến CVLN còn khó khăn do nhận thức… Dư luận thắc mắc, vì sao hoạt động CVLN diễn ra nhiều mà các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra giải quyết chưa được bao nhiêu vụ?

Đối với vấn đề trên, đồng chí Trần Hùng Dũng - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, về đường lối giải quyết án liên quan ”tín dụng đen”, cụ thể: Tội “CVLN trong giao dịch dân sự” là tội phạm phát sinh từ một giao dịch dân sự. Sự tự nguyện tham gia của hai bên đó vi phạm đến mức bị coi là tội phạm. Thực tế, người đi vay phải chi trả lãi nhiều, người cho vay thu lợi lớn, nhưng nếu xác định người đi vay là bị hại là không đúng quy định của pháp luật. Đối với loại án này, người đi vay được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo quy định pháp luật, xác định khách thể cần bảo vệ là hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Từ đó, xác định đúng tư cách của người tham gia tố tụng và định hướng giải quyết đúng pháp luật. Trên cơ sở giải đáp của Tòa án nhân dân Tối cao, “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh là: Có một giao dịch dân sự; trong giao dịch dân sự có lãi suất 100%/năm/khoản tiền cho vay; thu lợi bất chính 30 triệu đồng trở lên; còn nếu không đủ 30 triệu đồng thì chứng minh đối tượng bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án tội này mà chưa xóa án tích.

Cũng theo đồng chí Trần Hùng Dũng, loại tội phạm này phải cấu thành vật chất. Tức là thực tế phải thu lợi bất chính, nếu chỉ mới thỏa thuận mà chưa thu lợi bất chính thì chưa định tội được. Đồng thời, phải xác định được số tiền lãi đã thu được, trừ số tiền lãi mà pháp luật cho phép là 20% năm/số tiền vay. Bởi số tiền lãi nặng là tổng số tiền lãi chênh lệch của tất cả những người vay, nếu việc cho vay được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về thời gian. Trong giải quyết án này, không cần bắt buộc phải giám định tiền lãi, vì không thuộc loại án kinh tế, tham nhũng. Người thực hiện hành vi phạm tội về CVLN sẽ bị tước tất cả phương tiện và lợi nhuận. Người liên quan (đi vay) sẽ được bảo vệ hoàn trả lại phần lãi vượt mức quy định.

Để kịp thời ngăn chặn đối với loại tội phạm này, đồng chí Nguyễn Hồng Phuông - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, các cấp, các ngành cần phải tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân thấy rõ bản chất nguy hiểm của "tín dụng đen", núp bóng dưới danh nghĩa giao dịch dân sự lành mạnh. Vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác không tham gia hoạt động "tín dụng đen" và tích cực tố giác tội phạm. Mong Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần quan tâm thực hiện tốt chính sách tài chính, tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Từng cơ quan, ban ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ cần tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen". Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo hai cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp kịp thời tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Nếu có căn cứ sẽ xử lý kịp thời đối với tội phạm "tín dụng đen".

V.Đ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: