• Pháp luật - Bạn đọc

Tăng cường các giải pháp phòng, chống tham nhũng

21/09/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 21/09/2020 | 06:00

STO - Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đã thành lập đoàn tiến hành giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã nhận định, đánh giá sâu sát từng vấn đề trong triển khai thực hiện PCTN và đưa ra những kiến nghị phù hợp thực tế. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Bùi Thị Tuyết Hạnh - Trưởng Ban pháp chế, HĐND tỉnh.

Phóng viên: Qua giám sát, đồng chí nhận định như thế nào về việc triển khai thực hiện công tác PCTN tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Bùi Thị Tuyết Hạnh: Qua kết quả, nhận thấy UBND tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác PCTN. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch PCTN ngay từ đầu năm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện khá tốt.

Quang cảnh buổi giám sát việc thi hành pháp luật về PCTN. Ảnh: C.H

Công tác thanh tra, kiểm tra ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương cũng được thực hiện. Vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên, ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở nhiều nơi đã phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát từng bước nâng cao hiệu quả công tác PCTN ở các địa phương, nhất là cấp cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn đã triển khai thực hiện tốt những giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng đã được cơ quan chức năng tích cực thực hiện và xử lý nghiêm minh. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chống tham nhũng được quan tâm thực hiện ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Phóng viên: Đồng chí vui lòng cho biết cụ thể hơn về việc triển khai các giải pháp PCTN của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Bùi Thị Tuyết Hạnh: Hơn một năm qua, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã tổ chức trên 770 lớp tập huấn, triển khai, phổ biến các nội dung về PCTN; tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến và đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng để thực hiện tuyên truyền những điểm mới của Luật PCTN. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về PCTN thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích, chương trình thông tin văn nghệ, biểu diễn lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về PCTN tại các khu vực công cộng…

Các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực như quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất, quản lý và sử dụng nhà ở, quản lý dự án đầu tư xây dựng, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, nhân sự. Toàn tỉnh đã tổ chức 56 cuộc kiểm tra liên quan việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động tại các cơ quan, đơn vị và địa phương, qua kết quả kiểm tra chưa phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, đã xây dựng, ban hành mới trên 329 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; sửa đổi, bổ sung 21 văn bản cho phù hợp với quy định hiện hành và tổ chức 40 cuộc kiểm tra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương, qua đó chưa phát hiện sai phạm. Trên địa bàn, chưa phát hiện trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng. 

Toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác cho 243 cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Chưa có trường hợp xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị do các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đều được kịp thời phát hiện, xử lý khi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng; ngoài ra do một số vụ việc chưa có kết luận chính thức. UBND tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2019, 2020 và quyết định phê duyệt, công bố chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có sự phân công cụ thể trách nhiệm làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt và triển khai thực hiện...

Phóng viên: Đồng chí cho biết về kết quả trong phát hiện và xử lý vụ việc liên quan đến tham nhũng?

Đồng chí Bùi Thị Tuyết Hạnh: Qua hoạt động giám sát và tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện tham nhũng; thực hiện công tác thanh tra thường xuyên đã phát hiện 1 vụ, 2 đối tượng liên quan đến tham nhũng. Qua công tác thanh tra đột xuất, trong năm 2019 đã phát hiện 1 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đã thu hồi số tiền là 28 triệu đồng, xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo về Đảng, ngành đối với các cá nhân vi phạm. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện, xử lý xong vụ một cán bộ phát thiếu lương nhằm trục lợi. Năm 2019, có 5 vụ án liên quan tham nhũng đã có kết quả điều tra, truy tố, xét xử; những tháng đầu năm 2020 chưa phát sinh.

Toàn tỉnh triển khai 43 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN tại 43 đơn vị. Kết luận thanh tra, kiểm tra cho thấy, công tác PCTN được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị triển khai, thực hiện chưa đầy đủ các quy định; sai phạm chủ yếu là không phê duyệt danh sách những người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập; bản kê khai chưa ghi đầy đủ thông tin; việc xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa sát chuyên môn điều kiện thực tế; về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chưa thực hiện đầy đủ theo quy định; xây dựng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng một số nơi chưa mang lại hiệu quả cao... Tất cả đã được chấn chỉnh và kiến nghị giải pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Phóng viên: Qua giám sát, đồng chí nhận thấy, việc triển khai thực hiện quy định pháp luật về PCTN còn những hạn chế gì?

Đồng chí Bùi Thị Tuyết Hạnh: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện các quy định về PCTN ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chú trọng về số lượng nhưng chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, nội dung tuyên truyền, phổ biến nên nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về PCTN đôi lúc chưa cao. Kết quả xử lý sau thanh tra chủ yếu là kiểm điểm rút kinh nghiệm, mặc dù số vụ, việc và cá nhân vi phạm bị phát hiện, đề nghị xử lý khá nhiều.

Một số quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng: Việc tặng quà, nhận quà và trả lại quà tặng; kiểm soát tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác… còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả thiết thực. Việc nhận diện nguy cơ tham nhũng và xác định vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng thời gian qua địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi trong quá trình thực hiện do quy định của pháp luật còn bất cập và chưa có hướng dẫn cụ thể.

Phóng viên: Cơ quan thực hiện chức năng giám sát sẽ có những kiến nghị gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Thị Tuyết Hạnh: Ban Pháp chế, HĐND tỉnh kiến nghị đối với UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản của cấp trên về PCTN đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Tăng cường các giải pháp PCTN hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ cao và tổ chức thực hiện, báo cáo đầy đủ, nghiêm túc các nội dung công tác PCTN theo quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong các lĩnh vực theo quy định nhằm phát huy tối đa nguồn lực của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót và vi phạm pháp luật về PCTN ở cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc đưa tin nêu gương điển hình về PCTN cũng như việc phát hiện, phê phán và đề nghị xử lý các hành vi gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng… Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện pháp luật trên lĩnh vực này. Tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp thực hiện, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định về công tác PCTN theo pháp luật ở cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn, điều kiện kinh tế - xã hội ổn định, thuận lợi hơn nữa để xây dựng, phát triển và hội nhập.

Thường trực HĐND và MTTQ các cấp cần tăng cường chỉ đạo các ban, tổ đại biểu, đại biểu; các tổ chức thành viên đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát quyền lực, giám sát phản biện xã hội về công tác PCTN trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định. Từ đó, đảm bảo pháp luật về PCTN tiếp tục được các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhân dân thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

SỚM MAI (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: