• Pháp luật - Bạn đọc

Tăng cường phối hợp và tạo điều kiện để luật sư tham gia hoạt động tố tụng

22/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 22/02/2021 | 06:00

STO - Theo quy định tại Điều 3 của Luật Luật sư, hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại các văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp cho thấy việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Đảng rất chú trọng công tác cải cách tổ chức và hoạt động luật sư. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác trong thời gian tới” đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của luật sư và đặt nhiệm vụ cho cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm hoạt động của luật sư trong tố tụng. Nghị quyết này nêu rõ, nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác; các cơ quan có trách nhiệm để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng; tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh tụng dân chủ tại phiên tòa.

Đoàn Luật sư tỉnh luôn quan tâm đến việc phối hợp giữa luật sư và cơ quan tố tụng. Ảnh: T.H

Trong hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử được coi là khâu trọng tâm vì ở đây biểu hiện sự tập trung và thể hiện đầy đủ quyền tư pháp, là hoạt động trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố và bào chữa, tòa án nhân danh Nhà nước đưa ra phán xét một người là có tội hay không có tội. Tính chính xác, khách quan, hợp pháp của sự phán xét, cũng như sự đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phụ thuộc rất nhiều vào quá trình điều tra, truy tố và xét xử từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, hoạt động tích cực của luật sư với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ công lý đối với vụ án hình sự. Còn trong các vụ án dân sự, hành chính, quá trình từ khi thụ lý đến giai đoạn đưa vụ án ra xét xử là kết quả của việc tòa án xác minh, thu thập chứng cứ. Sự tham gia của luật sư trong quá trình này góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khi tham gia tranh tụng trong các vụ án tranh chấp. Theo quy định tại Điều 55, 72, 83, 84 Bộ luật Tố tụng hình sự thì luật sư là người tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

Pháp luật đã quy định tư cách của luật sư trong hoạt động tố tụng là người tham gia tố tụng, người tham gia tố tụng khác. Hoạt động của luật sư là hoạt động bổ trợ tư pháp thì cũng đã hàm ý hoạt động này phải có sự liên kết, phải được sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngược lại, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể thiếu sự bổ trợ tư pháp từ luật sư. Trong các vụ án dân sự, hành chính, luật sư tham gia tranh tụng tại tòa án theo yêu cầu của đương sự. Do đó, để hoàn thành công việc của mình, luật sư phải đăng ký tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thông qua việc đăng ký bảo vệ. Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự được quy định rõ tại Khoản 4, Điều 75 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Còn trong vụ án hành chính, thủ tục đăng ký bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định tại khoản 4, Điều 61 Bộ luật Tố tụng hành chính. Trong các vụ án dân sự, luật sư tham gia với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Luật sư không phải là những người tiến hành tố tụng, nhưng hoạt động tố tụng có những trường hợp có sự tham gia của luật sư. Đó là những vụ án luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong nhiều trường hợp, sự hiện diện của luật sư là bắt buộc, không thể thiếu. Nếu thiếu vắng luật sư thì hoạt động sẽ đình trệ, gián đoạn, không tiến hành được. Xuất phát từ đặc điểm này, sự hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ là điều không thể thiếu giữa những người hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, bản chất công việc của luật sư, mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan tố tụng được thực hiện chưa đầy đủ, dẫn đến các quy định của pháp luật tố tụng chưa được thực hiện nghiêm chỉnh và mối quan hệ làm việc còn những tồn tại cần được tháo gỡ.

Luật sư Bạch Sỹ Chất - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: “Để tăng cường mối quan hệ phối hợp trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, trong thời gian tới, các cơ quan điều tra cần tiếp tục tạo điều kiện cấp thủ tục cho luật sư tiếp cận khách hàng ngay khi có yêu cầu đảm bảo thời gian theo quy chế đã phối hợp. Đối với viện kiểm sát nhân dân, tiếp tục hỗ trợ luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn truy tố, được tham gia đầy đủ các buổi phúc cung của kiểm sát viên; tòa án tạo điều kiện cho luật sư được bảo đảm quyền bình đẳng tại phiên tòa. Bên cạnh đó, các luật sư thành viên phải thực hiện tốt bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, theo Quyết định số 201/QĐ HĐLSTQ, ngày 13-12-2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ bổ trợ của luật sư khi được các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Ngoài ra, các luật sư thành viên cần phải bỏ thời gian nghiên cứu các văn bản pháp luật, tham gia các lớp tập huấn do Liên Đoàn luật sư tổ chức và các lớp tập huấn của Tòa án nhân dân Tối cao theo quy chế phối hợp, nhằm nâng cao kiến thức, trình độ năng lực của luật sư, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và đảm bảo chất lượng dịch vụ khi khách hàng yêu cầu”.

T.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: