• Pháp luật - Bạn đọc

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

29/01/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 29/01/2020 | 06:00

STO - Xác định rõ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9-12-2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (viết tắt là Chỉ thị số 32), công tác này được các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu, với nhiều kết quả đáng khích lệ.

Sóc Trăng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Ảnh: Sở Tư pháp cung cấp

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của Chỉ thị số 32, Thông báo số 74-TB/TW, Kết luận số 04-KL/TW và Luật PBGDPL đối với hoạt động PBGDPL, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị. Trên cơ sở đó, yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai, quán triệt cho tất cả đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa và nội dung của Chỉ thị số 32; yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ, công chức phải xác định việc nghiên cứu học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm của tỉnh.

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32, các ngành, các cấp trong tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai, phổ biến đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành; tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hướng dẫn thực hiện “Ngày pháp luật” ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật mới và nghiên cứu sâu nội dung pháp luật chuyên ngành... Trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của Trung ương, hàng năm tỉnh đều có định hướng nội dung trọng tâm để các ngành tập trung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đối với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức triển khai sâu rộng Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới ban hành; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan, tổ chức; pháp luật về an toàn giao thông. Đối với lực lượng vũ trang nhân dân: tổ chức triển khai Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Phòng chống thiên tai, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật An ninh quốc gia; Luật Quốc phòng; Luật Công an nhân dân; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Dân quân tự vệ; Pháp lệnh Dự bị động viên; Luật Cán bộ, công chức; pháp luật về an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống tội phạm; trật tự, an toàn xã hội...

Các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương đã tổ chức hơn 237.000 cuộc với 10,4 triệu lượt người tham dự các hình thức tuyên truyền như: hội nghị, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, hòa giải… Cấp phát miễn phí 46,7 triệu quyển sách pháp luật; tờ gấp tuyên truyền pháp luật... cho các tủ sách pháp luật, các điểm chùa, bưu điện văn hóa, UBND cấp xã, tổ hòa giải, các tổ chức đoàn thể ở khóm, ấp, cụm dân cư và nhân dân. Dịch, in và phát hành 1.500 tài liệu pháp luật bằng tiếng Khmer cho đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức thông tin lưu động tại các xã, phường điểm của tỉnh với 420 cuộc và tổ chức được 550 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý với 69.600 lượt người tham dự. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Có thể nói, thông qua thực hiện Chỉ thị số 32, đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong hệ thống chính trị; các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo công tác PBGDPL, góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tạo dần thói quen nâng cao ý thức pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL được xây dựng, củng cố kiện toàn, tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật... Bên cạnh đội ngũ báo cáo viên pháp luật thì công tác PBGDPL còn thu hút đông đảo tuyên truyền viên, hòa giải viên, giáo viên dạy giáo dục công dân, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, các phóng viên, biên tập viên các chương trình, chuyên mục pháp luật của Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Sóc Trăng tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL của tỉnh còn một số tồn tại, khó khăn như: một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác này, vì vậy chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều; thời lượng và chất lượng PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên các xã, phường thường xuyên thay đổi do bố trí công tác mới…

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 32-CT/TW; Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư bảo đảm mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều được phổ biến kịp thời đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đại chúng, các cán bộ chuyên trách và Hội đồng phối hợp PBGDPL. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL chuyên nghiệp, có chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị - tư tưởng, am hiểu pháp luật, có kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ PBGDPL. Có chính sách hỗ trợ việc tuyên truyền phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đối với cán bộ cấp xã, nhân dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động PBGDPL phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, tổ chức và các địa phương. Bên cạnh đó cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với việc tổ chức thi hành pháp luật; lồng ghép công tác PBGDPL với việc thực hiện các chương trình, các phong trào vận động quần chúng khác…

Hy vọng trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh càng đi vào chiều sâu và đạt chất lượng cao, giúp cán bộ và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ đó, góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế của tỉnh.

Mai Khôi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: