• Huyện Kế Sách

Tham tiền bỏ nghĩa

22/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 22/09/2017 | 06:00

STO - Nghĩ rằng con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng mẹ già nên bà Dể chấp thuận cho ông Ướt đứng tên tất cả phần đất của vợ chồng bà. Khi mối quan hệ mẹ con không còn thuận thảo thì dẫn đến tranh chấp đất đai. Bất đắc dĩ, người mẹ già lưng còng, tóc bạc phải khởi kiện và hầu tòa vì đứa con tham tiền mà quên mất máu mủ tình thâm. Đây là một nghịch cảnh trớ trêu khiến nhiều người phải lắc đầu ngán ngẩm và rất bức xúc ở xã Trinh Phú (Kế Sách).

Bà Dể đang chờ đợi cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp đất đai. 

* Cốt nhục chia lìa vì tranh chấp đất đai

Theo Bản án số 51/2016/DS-ST của Tòa án nhân dân huyện Kế Sách xét xử sơ thẩm vụ án về tranh chấp quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại về tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Dể, sinh năm 1933 và bị đơn là ông Võ Văn Ướt (con ruột bà Dể), sinh năm 1971, cùng cư ngụ tại Ấp 12, xã Trinh Phú (Kế Sách). Theo yêu cầu khởi kiện của bà Dể, nguồn gốc các thửa đất 452, 454 và 455 tại địa chỉ trên là của bà Dể và chồng tên Võ Văn Oanh (đã mất năm 1988). Sau đó, bà Dể để cho con trai út là ông Ướt đại diện gia đình kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và được UBND huyện Kế Sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 11-9-1993 với diện tích 18.500m2.

Sau này do mẹ con không thuận thảo nên bà Dể yêu cầu ông Ướt phải trả lại phân nửa diện tích đất nêu trên để cất nhà ở và canh tác, còn lại phân nửa để cho gia đình ông Ướt tiếp tục sử dụng. Theo yêu cầu đó, ngày 9-3-2015, bà Dể được UBND huyện Kế Sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 561, tờ bản đồ số 01, diện tích 3.467,4m2 và thửa đất số 563, tờ bản đồ số 01, diện tích 5.620,2m2 (tổng cộng 9.412,4m2) nhưng gia đình ông Ướt không cho bà Dể sử dụng phần đất này.

Cũng theo nội dung bản án, phía ông Ướt và vợ là bà Nguyễn Thị Bé Em trình bày: nguồn gốc đất đã nêu là của cha mẹ ông là ông Oanh và bà Dể cho tặng vợ chồng ông. Ông Ướt đã kê khai đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1993. Gia đình ông Ướt đã sử dụng ổn định lâu dài nên không đồng ý trả đất theo yêu cầu khởi kiện của bà Dể.

Tuy nhiên, qua xem xét, ông Ướt không cung cấp được giấy tờ chứng minh có việc cho tặng đất như ông đã trình bày. Thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất của ông Ướt cũng thể hiện nguồn gốc đất do cha mẹ cho nhưng không thể hiện giấy cho tặng của bà Dể. Vào thời điểm kê khai đăng ký quyền sử dụng đất năm 1992, gia đình ông Ướt sống chung với mẹ là bà Dể. Theo thông lệ tại địa phương, con ở chung với cha mẹ thì đại diện gia đình kê khai đăng ký quyền sử dụng đất để được cấp giấy.

Ông Ướt cũng thừa nhận ngoài phần đất đang tranh chấp 9.412,4m2 thì gia đình ông vẫn còn diện tích đất tương đương của cha mẹ để lại, nằm liền kề với phần đất tranh chấp; còn ngoài phần đất đang tranh chấp thì bà Dể không còn phần đất nào khác để ở và canh tác. Vì vậy, để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà Dể, gia đình ông Ướt phải giao trả lại cho bà Dể phần đất 9.412,4m2 là đúng quy định pháp luật và đúng đạo lý làm người. Từ những căn cứ nêu trên có đủ cơ sở để xác định: phần đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà Dể. Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của bà Dể được Hội đồng xét xử chấp nhận.

* Nỗi đau người mẹ ở tuổi xế chiều

Mặc dù đã nhiều lần hòa giải từ cơ sở, đến bản án sơ thẩm đã tuyên nhưng trong quá trình tổ chức thi hành án, phía ông Ướt và vợ con không tự nguyện thi hành án và có thái độ chống đối quyết liệt, không ký bất kỳ giấy tờ gì của cơ quan thi hành án. Qua làm việc, ông Ướt và gia đình luôn có thái độ bất hợp tác, không đồng ý trả đất cho mẹ ruột của mình; đồng thời còn dọa sẽ chết nếu cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế.

Ngày 14-11-2016, Ban chỉ đạo thi hành án thống nhất cưỡng chế thì phát hiện bản án chỉ tuyên trả đất, không tuyên trả cây trồng trên đất; chính vụ việc phát sinh này đã làm thay đổi nội dung bản án (Bản án đã được chủ tọa phiên tòa sửa chữa, bổ sung), phát sinh quyền và nghĩa vụ của đương sự không đảm bảo đúng quy định tại Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự; vì vậy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Vậy là thêm một lần nữa bà Dể lại phải chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc để bà được nhận lại phần đất tranh chấp với đứa con ruột của mình. Nhưng có lẽ, hơn cả sự chờ đợi đó, chính là nỗi đau xé lòng khi đứa con do bà dứt ruột đẻ ra lại đi tranh giành mảnh đất mà vợ chồng bà đã đổ mồ hôi, nước mắt tạo lập nên. Đau hơn nữa, giờ đến lúc tuổi già lại bị con bỏ bê, không thèm đếm xỉa đến cuộc sống của mẹ mình ra sao. Giờ đây, hàng đêm khi một mình trong căn nhà ẩm thấp, không chỉ đối diện với cô đơn mà bà còn cảm thấy đau khi nghĩ đến cốt nhục thâm tình. “Cha mẹ nuôi con như biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày” – bà mẹ già đã 84 tuổi thốt lên khi tâm sự với chúng tôi.

Qua tìm hiểu được biết, từ trước đến nay, ông Ướt sống chung với cha mẹ, hiện đã có vợ và 3 người con. Phần bà Dể, chồng mất khi vừa hơn 50 tuổi, bà vẫn ở vậy sống với con. Nghĩ con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng mẹ già nên bà chấp thuận cho ông Ướt đứng tên tất cả phần đất của vợ chồng bà. “Nếu nó hiếu thảo, biết lo cho tui thì tui đâu có đòi đất lại làm gì, đằng này nó đối xử với tui ngày càng tệ bạc. Tui làm điều gì không vừa ý, nó quát nạt, mắng nhiếc không ra gì. Tui quá đau lòng nên mới bỏ ra ngoài cất cái chòi để ở”. Giọng bà run run ngắt quãng: “Không có gì trong tay để sinh sống, tui nói với nó chỉ cần để lại cho tui 2 công trên phần đất đó, cho tui trồng lặt vặt kiếm sống qua ngày, mà nó không đồng ý. Tệ đến nỗi, tui trồng cây chuối lên nó cũng đem dao ra chặt hết. Bất đắc dĩ lắm tui mới đi thưa” – bà Dể rưng rưng nước mắt khi chia sẻ những cay đắng trong lòng.

Ông Phạm Minh Giữ – Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân Ấp 12, xã Trinh Phú bức xúc cho biết: “Anh em ở xóm ấp này cũng đã khuyên can, hòa giải nhiều lần rồi nhưng chú Ướt vẫn kiên quyết không nhượng bộ mẹ mình. Thương bà Dể cả đời tần tảo nuôi con nhưng khi tuổi gần đất xa trời lại chẳng được yên vui. Mẹ con mà phải đưa nhau ra tòa như vậy, bà ấy đau lòng lắm”.

Qua sự việc này, mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để sự việc được giải quyết dứt điểm, theo đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho người cao tuổi. Mặt khác, đây cũng là bài học cho những ai làm con hãy giữ tròn chữ hiếu, đừng vì lợi ích vật chất mà quên mất thâm tình, đặc biệt đối với cha mẹ mình – bởi ơn nghĩa dưỡng dục sinh thành không gì có thể so sánh được.

Thiên Tường

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: