• Pháp luật - Bạn đọc

Thế chấp quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm

14/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Thạch Thảo
  • Thứ Ba, 14/11/2017 | 06:00

STO - Những quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm được áp dụng từ ngày 15-10-2017, có nhiều điểm khác so với quy định trước đây. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Xin đồng chí vui lòng cho biết những trường hợp nào phải đăng ký biện pháp bảo đảm?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Điều 4 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, ngày 1-9-2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm quy định rõ các biện pháp bảo đảm phải đăng ký là thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển.

Những biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu gồm: thế chấp tài sản là động sản khác; thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

Phóng viên: Thưa đồng chí, khi đăng ký biện pháp bảo đảm thì phương thức nộp hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Căn cứ Điều 13 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký có thể nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm theo một trong các phương thức: qua hệ thống đăng ký trực tuyến; nộp trực tiếp; qua đường bưu điện; qua thư điện tử trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Điều 14 Nghị định này cũng quy định hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm được nộp trực tiếp, thì sau khi nhận hồ sơ, người tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký. Trường hợp hồ sơ đăng ký hợp lệ, người tiếp nhận vào sổ tiếp nhận, cấp cho người yêu cầu đăng ký phiếu hẹn trả kết quả. Nếu hồ sơ đăng ký không hợp lệ, người tiếp nhận hướng dẫn để người yêu cầu đăng ký trực tiếp hoàn thiện hồ sơ hoặc lập văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm được nộp qua đường bưu điện hoặc qua thư điện tử, thì sau khi nhận được hồ sơ, người tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký. Nếu như hồ sơ đăng ký hợp lệ thì người tiếp nhận vào sổ tiếp nhận. Còn hồ sơ đăng ký không hợp lệ, ngay trong ngày nhận hồ sơ, người tiếp nhận lập văn bản từ chối tiếp nhận và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Văn bản từ chối tiếp nhận và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ được gửi trả lại cùng hồ sơ đăng ký cho người yêu cầu đăng ký qua đường bưu điện có bảo đảm trong trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu điện hoặc gửi qua thư điện tử trong trường hợp hồ sơ được gửi qua thư điện tử.

Phóng viên: Vậy, thời gian giải quyết hồ sơ, công bố thông tin và trả kết quả đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm được quy định ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Điều 16 Nghị số 102/2017/NĐ-CP, cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký, cung cấp thông tin ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, thì cũng không quá 3 ngày làm việc. Thời hạn này được tính từ ngày cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ.

Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) hoặc nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, thì thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký được tính từ ngày văn phòng đăng ký đất đai nhận hồ sơ do UBND cấp xã hoặc do bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa chuyển đến.

Tại Điều 17 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP quy định kết quả đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm được cơ quan đăng ký trả cho người yêu cầu đăng ký theo một trong các phương thức: Trực tiếp tại cơ quan đăng ký; qua đường bưu điện; phương thức khác do cơ quan đăng ký và người yêu cầu đăng ký thỏa thuận. Nếu nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hoặc UBND cấp xã, thì bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hoặc UBND cấp xã trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký.

Phóng viên: Thưa đồng chí, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin được quy định như thế nào?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Tại Điều 10 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP quy định rõ cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Đăng ký biện pháp bảo đảm; đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký; sửa chữa sai sót; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm. Chứng nhận đăng ký đối với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cấp văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, tài sản là động sản khác và cấp bản sao các văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm. Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm. Từ chối đăng ký, từ chối cung cấp thông tin trong trường hợp có căn cứ quy định tại Điều 15 và Điều 61 của Nghị định này. Thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Quản lý thông tin đăng ký trực tuyến theo thẩm quyền. Cập nhật thông tin vào hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Ngoài ra, cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm có trách nhiệm đăng ký chính xác nội dung phiếu yêu cầu đăng ký; đăng ký và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng; cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm đúng với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Thạch Thảo (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: