• Pháp luật - Bạn đọc

Thừa phát lại có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự

20/12/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 20/12/2017 | 06:00

STO - Dù đã được các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhưng nhiều người vẫn chưa nắm rõ các quy định về thừa phát lại. Thậm chí có người còn lầm tưởng, thừa phát lại là bộ phận trực thuộc cơ quan thi hành án dân sự. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Xin đồng chí vui lòng cho biết, thừa phát lại là ai và được làm những công việc gì? 

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, ngày 18-10-2013 của Chính phủ, thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, ngày 24-7-2009 của Chính phủ thì thừa phát lại được thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Phóng viên: Thưa đồng chí, thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án trong phạm vi như thế nào?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Khoản 10, Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi thực hiện việc xác minh, thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó.

Phóng viên: Thừa phát lại có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án không, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Căn cứ Điều 39 Nghị định số 61 quy định, sau khi hết thời hạn tự nguyện đã được ấn định trong quyết định thi hành án, thừa phát lại có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quy định tại Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp đề nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 40 của nghị định này (được sửa đổi tại Khoản 14, Điều 2 Nghị định số 135).

Quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự có các nội dung chủ yếu sau: Tên, địa chỉ văn phòng thừa phát lại; họ, tên thừa phát lại ra quyết định cưỡng chế thi hành án; căn cứ ra quyết định cưỡng chế; đối tượng và biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng; thời gian, địa điểm áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, thừa phát lại có quyền, nghĩa vụ như chấp hành viên và thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Phóng viên: Đối với trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng bảo vệ thì như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Tại Khoản 14, Điều 2 Nghị định số 135, trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở ý kiến của ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án.

Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét phê duyệt kế hoạch và ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có ý kiến trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại. Trường hợp không nhất trí thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Sau khi được phê duyệt và ra quyết định cưỡng chế thi hành án, thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự và quy định của nghị định này về cưỡng chế thi hành án.

Phóng viên: Đồng chí cho biết về trang phục của thừa phát lại để người dân có sự phân biệt dễ dàng hơn?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Căn cứ Điều 4, 5, 6 Thông tư số 12/2014/TT-BTP, ngày 26-4-2014 của Bộ Tư pháp quy định trang phục của thừa phát lại có quần áo thu đông; áo măng tô; quần áo xuân hè ngắn tay; áo sơ mi dài tay; váy ngắn; thắt lưng da; giầy da; bít tất; caravat; mũ mềm; ve áo; biển hiệu; logo. Trong đó, áo thu đông mặc ngoài có màu xanh đen (kiểu vest khoác ngoài, hai thân trước có 4 túi ốp ngoài); áo sơ mi tay dài vải màu trắng; áo xuân hè ngắn tay vải màu xanh da trời đậm; áo măng tô vải màu xanh đen; còn quần mặc chung cho các loại áo có màu xanh đen. 

Ngoài ra, Điều 7 Thông tư số 12 còn quy định, caravat, mũ mềm có màu xanh đen; thắt lưng dây da màu sẫm; giầy da màu đen; bít tất màu trắng; logo gắn phía trước mũ và phía trên cánh tay phải của áo thu đông, xuân hè; biển hiệu được đeo trước ngực trái khi hành nghề. 

Phóng viên: Vậy giữa thừa phát lại và cơ quan thi hành án giống và khác nhau ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác thi hành án dân sự thì sự ra đời của Văn phòng Thừa phát lại đã giúp cho người dân cũng như các tổ chức được quyền lựa chọn về việc yêu cầu thi hành án tại cơ quan thi hành án hoặc tại văn phòng thừa phát lại.

Do đó, giữa cơ quan thi hành án và thừa phát lại có một số đặc điểm giống nhau về thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ như trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự, xác minh điều kiện thi hành án, thực hiện việc tống đạt các văn bản giấy tờ cho đương sự.

Tuy nhiên, giữa cơ quan thi hành án và thừa phát lại có một số đặc điểm khác nhau như: Thừa phát lại được lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; thừa phát lại không tổ chức thi hành các bản án, quyết định trong trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án; thừa phát lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Sớm Mai

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: