• Pháp luật - Bạn đọc

Thừa phát lại ra đời sẽ “giảm tải” công việc cho các cơ quan tư pháp

10/12/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 10/12/2017 | 06:00

STO - Thừa phát lại - một công việc mới, chức năng, nhiệm vụ liên quan mật thiết các cơ quan tư pháp và người dân. Để hiểu rõ hơn các quy định về thừa phát lại, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Xin đồng chí vui lòng cho biết nhiệm vụ, quyền hạn của thừa phát lại; công tác quản lý nhà nước về thừa phát lại; chính sách ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức hành nghề thừa phát lại như thế nào?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Điều 5 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, ngày 24-7-2009 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thì nhiệm vụ, quyền hạn của thừa phát lại phải trung thực, khách quan khi thực hiện công việc; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình. Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, thừa phát lại có quyền như chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự, trừ Khoản 9, Khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Riêng việc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của nghị định này. 

Đối với công việc quản lý nhà nước, Điều 8 của Nghị định 61 quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thừa phát lại. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thừa phát lại và có các nhiệm vụ, quyền hạn, gồm: ban hành theo thẩm quyền và đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thừa phát lại; hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, thanh tra hoạt động thừa phát lại; bồi dưỡng, đào tạo thừa phát lại; bổ nhiệm, miễn nhiệm thừa phát lại; cấp, thu hồi thẻ thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động của thừa phát lại theo quy định của pháp luật. Về chính sách ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức hành nghề thừa phát lại, Nhà nước khuyến khích cá nhân tham gia hành nghề thừa phát lại. Văn phòng thừa phát lại được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian thực hiện thí điểm.

Phóng viên: Điều kiện để thành lập văn phòng thừa phát lại; các thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Điều 16 của Nghị định số 61 nêu rõ, việc thành lập văn phòng thừa phát lại phải có các điều kiện, gồm: trụ sở văn phòng thừa phát lại có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động. 

Theo Điều 17 của nghị định, thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại phải có hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại gửi Sở Tư pháp để trình UBND tỉnh. Hồ sơ gồm có: đơn đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại; đề án thành lập văn phòng thừa phát lại, trong đó nêu rõ về sự cần thiết thành lập; dự kiến về tổ chức, tên gọi; bộ máy giúp việc, trong đó nêu rõ số lượng, chức danh, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị của họ; địa điểm đặt trụ sở; các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện. Kèm theo đề án phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập văn phòng thừa phát lại quy định tại Điều 16 nghị định này và bản sao quyết định bổ nhiệm thừa phát lại. Ngoài ra, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại, Sở Tư pháp phải thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập văn phòng thừa phát lại. Trong trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Việc đăng ký hoạt động thừa phát lại ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Điều 18 của Nghị định số 61, điều kiện để đăng ký hoạt động văn phòng thừa phát lại, gồm: phải mở tài khoản và đăng ký mã số thuế; phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi thừa phát lại hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Việc ký quỹ được thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh; các tài liệu chứng minh điều kiện thành lập hoạt động của văn phòng thừa phát lại.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, văn phòng thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Khi đăng ký hoạt động phải có đơn và giấy tờ chứng minh điều kiện đăng ký hoạt động văn phòng thừa phát lại quy định tại Khoản 1 của điều này. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của văn phòng thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Văn phòng thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.

Khi thay đổi trụ sở, tên gọi hoặc danh sách thừa phát lại, văn phòng thừa phát lại phải có thông báo ngay bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Trong trường hợp thay đổi trụ sở hoặc tên gọi, văn phòng thừa phát lại được cấp lại giấy đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp lại giấy đăng ký hoạt động do thay đổi trụ sở, tên gọi của văn phòng thừa phát lại, Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho Cục thuế, cơ quan thống kê, Công an tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã nơi văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở. Người thành lập văn phòng thừa phát lại không được chuyển nhượng, cho thuê lại văn phòng thừa phát lại.

Phóng viên: Về thẩm quyền, phạm vi tống đạt; giao, nhận văn bản tống đạt; thủ tục tống đạt, được thực hiện như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Theo Khoản 6, Điều 2, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, ngày 18-10-2013 về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì văn phòng thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt văn phòng thừa phát lại, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của tòa án; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác. Thừa phát lại có quyền thực hiện việc tống đạt các văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự tại Khoản 1 của điều này ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt văn phòng thừa phát lại. 

Điều 22, Nghị định số 61 quy định, về giao, nhận văn bản tống đạt, cơ quan thi hành án dân sự, tòa án phải lập danh mục các quyết định, giấy tờ cần tống đạt bàn giao cho văn phòng thừa phát lại, trong đó nêu rõ thời gian cần thực hiện xong việc tống đạt. Danh mục các quyết định, giấy tờ cần tống đạt phải lập thành 2 bản, khi bàn giao đại diện văn phòng thừa phát lại, đại diện của cơ quan thi hành án dân sự hoặc tòa án phải ký vào danh mục tài liệu, mỗi bên giữ 1 bản. Quyết định, giấy tờ cần tống đạt nhận từ cơ quan thi hành án dân sự hoặc tòa án phải được vào sổ theo dõi của văn phòng thừa phát lại.

Căn cứ Điều 23, Nghị định số 61 thì thủ tục tống đạt, trưởng văn phòng thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thừa phát lại thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do chính thừa phát lại thực hiện. Thủ tục thực hiện việc thông báo về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Thủ tục thực hiện việc tống đạt văn bản của tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng. Việc tống đạt được coi là hoàn thành nếu đã được thực hiện theo thủ tục quy định tại Khoản 2, Khoản 3 của điều này. Thừa phát lại phải thông báo kết quả tống đạt, kèm theo các tài liệu chứng minh việc tống đạt hoàn thành cho cơ quan thi hành án dân sự, tòa án chậm nhất 2 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Kết quả tống đạt phải được ghi vào sổ thụ lý quyết định, giấy tờ cần tống đạt. Văn phòng thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước tòa án, cơ quan thi hành án dân sự về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

K.N

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: