• Pháp luật - Bạn đọc

Thực hiện chế định thừa phát lại nhằm tăng cường xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp

05/02/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 05/02/2018 | 06:00

STO - Bộ Tư pháp vừa có quyết định phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại tỉnh Sóc Trăng. Thực hiện chế định thừa phát lại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thi hành án dân sự, tăng cường xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp, góp phần trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của địa phương. Để hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan đến đề án, chúng tôi có cuộc trao đổi cùng đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết việc thực hiện đề án thành lập văn phòng thừa phát lại có ý nghĩa như thế nào?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Xã hội hóa là giải pháp cải cách tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, huy động nguồn lực và tăng cường trách nhiệm của xã hội đối với các hoạt động của Nhà nước mà nội dung trọng tâm là chuyển giao công việc của Nhà nước đang trực tiếp thực hiện cho các tổ chức xã hội, góp phần làm giảm và từng bước chuyển giao công việc không cần thiết phải do Nhà nước thực hiện với mục đích phát huy tiềm năng của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Ngày 24-7-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, đến ngày 18-10-2013, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

Hoạt động của thừa phát lại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và 12 tỉnh, thành khác được chọn làm thí điểm bước đầu đã đạt được mục tiêu đặt ra cho hoạt động thừa phát lại. Chính phủ đã tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26-11-2015 chấp thuận cho thực hiện chế định thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-2016. Trên cơ sở quy định của pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các điều kiện đảm bảo thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, như điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, về tổ chức và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Sóc Trăng xây dựng đề án thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo. Qua đó, đề án đã được Bộ Tư pháp phê duyệt thành lập 1 văn phòng thừa phát lại tại đơn vị TP. Sóc Trăng, thời gian phê duyệt từ tháng 1 năm 2018.

Phóng viên: Điều kiện để đăng ký hoạt động văn phòng thừa phát lại ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Các điều kiện để đăng ký hoạt động văn phòng thừa phát lại bao gồm: phải mở tài khoản và đăng ký mã số thuế; phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi thừa phát lại hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (việc ký quỹ được thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng); các giấy tờ chứng minh điều kiện thành lập hoạt động của văn phòng thừa phát lại.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, văn phòng thừa phát lại phải thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động văn phòng thừa phát lại, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của văn phòng thừa phát lại; trường hợp từ chối, Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Văn phòng thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.

Phóng viên: Tiêu chuẩn để bổ nhiệm thừa phát lại được quy định như thế nào?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Tiêu chuẩn để bổ nhiệm thừa phát lại được quy định cụ thể như sau: là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; không có tiền án; có bằng cử nhân luật; đã công tác trong ngành pháp luật trên 5 năm hoặc đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên; có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức; không kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 10 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ).

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết thêm thừa phát lại được làm và không được làm những công việc gì?

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ: Thừa phát lại được thực hiện những công việc như tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Đồng thời, Điều 6 Nghị định số 61 của Chính phủ quy định thừa phát lại không được làm những công việc đó là: không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép; không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là thân thích của mình (bao gồm: vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của thừa phát lại; cháu ruột mà thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì; các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật).

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Thiên Tường (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: