• Pháp luật - Bạn đọc

Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Thu Vân:

Thực hiện xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần thúc đẩy toàn diện mục tiêu xây dựng nông thôn mới

23/08/2017 08:36 GMT +7
  • Tác giả: T.H
  • Thứ Tư, 23/08/2017 | 08:36

STO - Việc triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”... Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 619/QĐ-TTg, ngày 8-5-2017, ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân - Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết mục tiêu của việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là gì?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật. Kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã.

Tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ. Cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn góp phần thúc đẩy, thực hiện toàn diện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cụ thể là xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, an ninh, trật tự được giữ vững; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.

Phóng viên: Những điểm mới về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật so với trước đây ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: So với Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì Quyết định số 619/QĐ-TTg có một số điểm mới cơ bản, như: quy định đã thu hẹp đối tượng đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thay vì đánh giá đối với cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã, quy định chỉ tập trung đánh giá cấp xã để bảo đảm tính khả thi, nhất là để đảm bảo gắn kết, thống nhất với xây dựng, đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được giảm bớt, tập trung vào các nội dung có liên quan đến tiếp cận pháp luật cho người dân.

Theo đó, số lượng tiêu chí, chỉ tiêu đã giảm đáng kể, chỉ còn 5 tiêu chí (giảm 3 tiêu chí) và 25 chỉ tiêu (giảm 16 chỉ tiêu). Mặt khác, không thực hiện phân loại cấp xã theo tiêu chí riêng như trước đây mà thống nhất tiêu chí phân loại cấp xã loại I, loại II, loại III để đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo tiêu chí chung về phân loại đơn vị hành chính cấp xã nhằm khắc phục tính trùng lắp, chồng chéo trong phân loại cấp xã theo quy định của Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thẩm quyền xem xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là chủ tịch UBND cấp huyện thay vì chủ tịch UBND cấp tỉnh như Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg để bảo đảm việc đánh giá, công nhận được thực chất hơn và nâng cao trách nhiệm, vai trò của chủ tịch UBND cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời giảm tải công việc cho cấp tỉnh. Việc đánh giá, công nhận cấp xã tiếp cận pháp luật được tiến hành hàng năm, căn cứ kết quả kinh tế - xã hội đạt được của năm, tính từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-12 của năm đánh giá - trước đây tính từ ngày 1-7 của năm trước đến ngày 30-6 của năm đánh giá.

Phóng viên: Điều kiện, thẩm quyền công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân: Để được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cấp xã phải đáp ứng đủ các điều kiện, như: không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III; kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành lập hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật để tư vấn việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tiến hành hàng năm, tính từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-12.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

T.H (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: