• Pháp luật - Bạn đọc

Đoàn Luật sư tỉnh

Tiếp tục nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

18/03/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 18/03/2020 | 13:30

STO - Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo quy định của pháp luật, nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận pháp lý và bình đẳng trước pháp luật. Thời gian qua, Đoàn Luật sư tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan tố tụng, chủ động đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người không có khả năng tự bào chữa hoặc không có điều kiện thuê luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Từ khi Thông tư số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, ngày 29-6-2018 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Tòa án nhân dân Tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng có hiệu lực thì hoạt động của luật sư khi tham gia tố tụng rất thuận lợi. Khi đương sự có yêu cầu, nếu thấy xét đúng đối tượng thì Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh ra quyết định TGPL gửi đến luật sư và các cơ quan tiến hành tố tụng ngay. Sau khi nhận được quyết định cử luật sư, trợ giúp viên tham gia TGPL, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng tạo mọi điều kiện để luật sư tham gia bảo vệ, bào chữa cho thân chủ.

Công tác TGPL trong hoạt động tố tụng luôn được các cấp, các ngành quan tâm (ảnh minh họa). Ảnh: K.N

Trong vụ án hình sự, các điều tra viên, kiểm sát viên luôn tạo điều kiện để luật sư có thể tham gia tiếp xúc với bị can trong giai đoạn hỏi cung, phúc cung bị can, đảm bảo được quyền của người bị buộc tội theo quy định của pháp luật. Khi vụ án chuyển sang giai đoạn xét xử, tòa án cũng thông báo cho luật sư để tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bị can, bị hại trong vụ án hình sự, thể hiện đầy đủ quyền của công dân khi tham gia tranh tụng tại tòa án. Đối với các vụ án dân sự được đương sự yêu cầu, ở giai đoạn nào cũng được tòa án chấp nhận tham gia. Thể hiện thông qua việc triệu tập luật sư tham gia các buổi hòa giải, các buổi tiếp cận công khai chứng cứ. Có những vụ án, khi đương sự yêu cầu đã là lần triệu tập xét xử thứ hai, nhưng tòa vẫn tiến hành triệu tập luật sư tham gia tố tụng, đảm bảo quyền bào chữa, quyền bảo vệ của các đương sự tham gia tại tòa đảm bảo việc tuân thủ theo pháp luật. Tại phiên tòa, các luật sư và trợ giúp viên cũng được tham gia tranh tụng không giới hạn thời gian. Từ đó, các căn cứ của luật sư bảo vệ, bào chữa được hội đồng xét xử lắng nghe để ra phán quyết có căn cứ và đúng pháp luật. Sau phiên tòa kết thúc, tòa án có gửi cho các luật sư bản án sơ thẩm, kể cả thông báo cho biết vụ án có đương sự nào kháng cáo.

Theo thống kê của Đoàn Luật sư tỉnh, 3 tháng đầu năm 2020 đã có trên 20 vụ việc được các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh cử các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng, người già neo đơn, người khuyết tật và trẻ em không nơi nương tựa theo quy định của pháp luật. 

Thường xuyên tham gia TGPL trong hoạt động tố tụng, luật sư Nguyễn Việt Thắng - Trưởng Văn phòng Luật sư Việt Thắng, thành viên Đoàn Luật sư tỉnh chia sẻ, Luật TGPL quy định khi nhận được thông báo cử người của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh bảo vệ cho đương sự hoặc bị can, bị cáo đối với các vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thông báo cho luật sư hoặc trợ giúp viên lịch hỏi cung. Ở giai đoạn xét xử, luật sư được tạo điều kiện nghiên cứu hồ sơ, tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Tuy nhiên, trong thực tế khi tham gia TGPL cho các đương sự trong một số vụ án mà tòa án cấp cao thụ lý, giải quyết ở giai đoạn phúc thẩm, có trường hợp tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử, mở phiên tòa không triệu tập luật sư hoặc trợ giúp viên tham gia phiên tòa, mà chỉ triệu tập khi có yêu cầu của đương sự. Để công tác này trong thời gian tới được tốt hơn, Tòa án nhân dân tỉnh, Hội đồng liên ngành tỉnh cần có văn bản phản ánh đến Tòa án nhân dân Cấp cao, những vụ án có luật sư hoặc trợ giúp viên tham gia bảo vệ cho đương sự thì tòa cấp cao phải triệu tập và sau khi xét xử xong cũng phải cho luật sư bản án theo quy định của pháp luật.

Luật sư Bạch Sĩ Chất - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: “Hiện nay, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng yêu cầu cao về chất lượng, chuyên nghiệp, đặt lợi ích của người dân lên trên như Luật TGPL quy định. Chính vì vậy, đòi hỏi đội ngũ luật sư phải đủ năng lực để đảm bảo quyền được TGPL của người dân mà Quốc hội đã bổ sung một cách đầy đủ trong các bộ luật, luật, như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật Tố tụng hành chính… Thời gian tới, Đoàn Luật sư tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ, để luật sư tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh”.

T.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: