• Pháp luật - Bạn đọc

Trợ giúp pháp lý góp phần hỗ trợ nhiều đối tượng trong xã hội

29/12/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 29/12/2018 | 06:00

STO - Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định cụ thể hơn về người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Để tìm hiểu rõ hơn những vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng.

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí giúp cho người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. 

Phóng viên: Xin ông vui lòng cho biết những người nào thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Những người được trợ giúp pháp lý gồm có: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV) theo quy định tại Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Phóng viên: Vậy quyền của người được trợ giúp pháp lý được quy định ra sao, thưa ông?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Quyền của người được trợ giúp pháp lý bao gồm: được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố, yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Phóng viên: Bên cạnh đó thì nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý là gì?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý bao gồm: cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó; tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết; chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Phóng viên: Thưa ông, các  tổ chức, người nào được thực hiện trợ giúp pháp lý?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Đối với tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: trợ giúp viên pháp lý; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; tư vấn viên pháp luật có 2 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Sở Tư pháp là đơn vị công bố danh sách người (cá nhân) thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Phóng viên: Theo Luật Trợ giúp pháp lý thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ cụ thể như sau: Thực hiện trợ giúp pháp lý; đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý; bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuộc tổ chức mình gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, truyền thông về trợ giúp pháp lý; giải quyết khiếu nại theo quy định tại Khoản 2, Điều 45 của Luật Trợ giúp pháp lý; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý (Khoản 1, Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý).

Đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý (luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý) có quyền và nghĩa vụ sau: Thực hiện trợ giúp pháp lý; được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật; từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 25, Khoản 1, Điều 37 của Luật Trợ giúp pháp lý và theo quy định của pháp luật về tố tụng; được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý; bồi thường hoặc hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật (Khoản 1, Điều 18 Luật Trợ giúp pháp lý).

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Mai Khôi (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: