• Pháp luật - Bạn đọc

Truyền thống vẻ vang của ngành Thanh tra

23/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 23/11/2020 | 06:00

STO - Cách đây 75 năm, vào ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập ra Ban Thanh tra đặc biệt, là tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam. Ban Thanh tra đặc biệt có nhiệm vụ: “Xét và giải quyết các vụ tham ô, bắt người trái phép, thu thập ý kiến của nhân dân, thực hiện giám sát các UBND trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Ngày 23-11-1945 trở thành Ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. Từ đây, hoạt động thanh tra đã luôn gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là công cụ thiết yếu của quản lý nhà nước. Đồng thời, thanh tra là phương tiện để kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Hoạt động thanh tra góp phần thiết lập, giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và trong xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền cách mạng.

Cán bộ, công chức Thanh tra Sóc Trăng tự hào về truyền thống ngành và ra sức thi đua, gặt hái nhiều thành công. Ảnh: TT cung cấp 

Trong quá trình xây dựng, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt (1945 - 1948), Ban Thanh tra Chính phủ (1949 - 1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955 - 1960), Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961 - 1983), Ủy ban Thanh tra Nhà nước (1984 - 1989), Thanh tra Nhà nước (1990 - 2004), Thanh tra Chính phủ (từ năm 2004 đến nay) nhưng cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), các tổ chức thanh tra tuy được xây dựng với quy mô hạn chế, nhưng đã có nhiều nỗ lực, tập trung thanh tra việc thực hiện các chính sách, giảm tô, giảm tức, huy động sức dân phục vụ kháng chiến, thanh tra công tác quản lý tài chính, quản lý ngân sách ở các cơ quan, đơn vị quân đội, đã phát hiện, ngăn ngừa các lệch lạc trong quản lý, xử lý nhiều vụ tham ô, lãng phí, củng cố mối quan hệ quân dân, góp phần động viên nhân dân ra sức sản xuất, huy động sức người, sức của phục vụ cho tiền tuyến.

Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho công cuộc giải phóng ở miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975), tổ chức Thanh tra được phát triển rộng hơn, công tác thanh tra đã bám sát các nhiệm vụ cấp bách như khôi phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và huy động sức người, sức của chi viện cho miền Nam để đẩy mạnh đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại Hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc (tháng 4-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự và chỉ đạo công tác thanh tra, trước mắt phải quan tâm thanh tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó Bác đã nhấn mạnh: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Bác đã yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ đảng phải quan tâm giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. 

Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tổ chức thanh tra nhanh chóng được thành lập gắn liền với quản lý của các cấp chính quyền. Nhiệm vụ của ngành Thanh tra lúc bấy giờ là tập trung chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước của thời kỳ mới.

Trong các giai đoạn đất nước đổi mới (từ 1986 trở đi), cùng với thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, triển khai thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để lãnh đạo tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra như: Pháp lệnh Thanh tra, Pháp lệnh Giải quyết khiếu nại, tố cáo (sau đó pháp lệnh này được nâng lên thành luật) đã tạo điều kiện để đưa tổ chức và hoạt động thanh tra vào nề nếp. Ngành Thanh tra đã bám sát quá trình chuyển đổi, đổi mới về kinh tế và từng bước đổi mới về chính trị để tổ chức các hoạt động về thanh tra.

Ở giai đoạn hiện nay, toàn ngành đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra lớn, tập trung vào các hoạt động: quản lý tài chính, ngân hàng, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh tra trách nhiệm quản lý hành chính, công vụ của các cấp chính quyền và cán bộ, công chức nhà nước. Hoạt động thanh tra đã tác động tích cực, góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời các yêu cầu bức xúc của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, tạo điều kiện để phát triển đất nước.
Trước truyền thống vẻ vang của ngành Thanh tra, từng cán bộ, cơ quan Thanh tra Sóc Trăng luôn tự hào, đoàn kết, ra sức thi đua và không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

C.H

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: