• Pháp luật - Bạn đọc

Nội chính và cải cách tư pháp

Vì sao ngành tòa án tạm dừng xét xử lưu động?

08/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 08/04/2018 | 06:00

STO - Ngành tòa án ngừng việc xét xử lưu động đã tạo ra các nguồn dư luận trái chiều. Phần lớn, người dân tán đồng với quan niệm này để đảm bảo được quyền con người nhưng có người lại cho rằng cần tiếp tục duy trì xét xét xử lưu động...

Một phiên tòa xét xử lưu động trong thời gian qua.

Trong thực tiễn, các vụ án hình sự mà tòa án đưa ra xét xử lưu động thường liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy… Việc xét xử lưu động đã đạt được nhiều hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe người phạm tội. Bởi đây là một hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng người thật, việc thật. Người tham gia phiên tòa sẽ biết về hành vi vi phạm pháp luật, các căn cứ pháp luật mà hội đồng xét xử áp dụng để quyết định hình phạt. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, xét xử lưu động cũng để lại nhiều hệ lụy không tốt, nhất là đối với gia đình người phạm tội. 

Theo chia sẻ của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Trần Hùng Dũng, việc xét xử lưu động trong thời gian qua bộc lộ khá nhiều bất cập. Trước hết, việc xét xử lưu động gây lãng phí, tốn kém về nguồn ngân sách nhà nước. Cụ thể, muốn tổ chức được phiên tòa lưu động, phải có sự phối hợp từ các cơ quan tiến hành tố tụng, chính quyền địa phương nơi tổ chức phiên tòa và phải thông báo trên các phương tiện truyền thông để người dân biết đến tham dự. Bên cạnh đó, chi phí cho việc dẫn giải bị cáo đến nơi xét xử, lực lượng bảo vệ phiên tòa (đông hơn phiên tòa xét xử tại trụ sở), lực lượng giữ gìn trật tự chung phải nhiều hơn. Người tham dự phiên tòa mất thời gian lao động... Xét về hình thức, phiên tòa lưu động thường không trang nghiêm và đảm bảo các quy định của pháp luật về tổ chức xét xử phiên tòa hình sự.

Cũng từ thực tiễn cho thấy, đa số người dân đến dự phiên tòa xét xử lưu động là những người hiếu kỳ, muốn xem mặt người phạm tội là ai, tội gì và xem mặt người bị hại; các tình tiết của hành vi phạm tội, hình phạt mà hội đồng xét xử tuyên đối với người phạm tội. Nhiều người dân trước khi tham dự phiên tòa đã cho rằng bị cáo là người có tội, dù hội đồng xét xử chưa tuyên án. Trong khi, Hiến pháp, pháp luật đã quy định về quyền con người - một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Như vậy, hiệu quả của việc tuyên truyền pháp luật chưa rõ, cần xem xét lại (đôi lúc khiến người dân hiểu nhầm) và hiện người tham dự phiên tòa xét xử lưu động ngày càng ít đi. Quan trọng, chính tư tưởng này cũng có ở cả những thành viên của hội đồng xét xử. Thêm vào đó, phần lớn các vụ án đưa ra xét xử lưu động, hội đồng xét xử tuyên với mức án nghiêm khắc hơn so với xét xử tại trụ sở tòa án nhằm răn đe tội phạm. Từ đó, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, khách quan. 

Còn đối với bị cáo khi bị đưa ra xét xử lưu động thường có tâm lý mặc cảm, xấu hổ (trong trường hợp có tội) rất khó để hòa nhập với cộng đồng sau khi chấp hành xong án tù. Cũng có không ít trường hợp con của bị cáo phải nghỉ học, lập nghiệp ở một nơi khác vì không chịu được dư luận xã hội khi cha, mẹ bị kết án. Thường việc xét xử lưu động khiến gia đình bị cáo bị ảnh hưởng trong khi họ không có tội nhưng phải chịu những cái nhìn không thiện cảm, bị mọi người xa lánh đánh đồng như thể người phạm tội. 

Đồng chí Trần Hùng Dũng cho biết: Trong tình hình phát triển như hiện nay, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật có thể bằng các cách thức khác không nhất thiết phải tổ chức xét xử lưu động trước nhiều bất cập đang tồn tại. Chính vì thế, cần phải dừng lại việc xét xử lưu động các vụ án hình sự để đảm bảo quyền con người và các nguyên tắc tố tụng mà Hiến pháp, các văn bản pháp luật đã quy định. Theo Chỉ thị số 01/2018/CT-CA, ngày 26-1-2018 của Chánh án TAND Tối cao về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018 của tòa án, trong đó, đã chỉ đạo ngành tổng kết công tác xét xử lưu động các vụ án hình sự để báo cáo Quốc hội. Trên cơ sở đó, TAND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị TAND hai cấp tạm dừng xét xử lưu động các vụ án hình sự.

Sớm Mai

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: