Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam

01/06/2018 15:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo điện tử VOV
  • Thứ Sáu, 01/06/2018 | 15:00

Chiều ngày 31-5, theo giờ địa phương, tại Tokyo - Nhật Bản, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam.

Tiếp tục chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, chiều nay (ngày 31-5), theo giờ địa phương, tại Thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với chủ đề “Hướng tới kỷ nguyên mới trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Hội nghị do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JetTro) và Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam tổ chức. Hội nghị thu hút trên 600 doanh nghiệp hai nước tham dự.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: “Sự kiện này là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đầu tư đã đạt được, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo bộ, ngành hai nước chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. (Ảnh: Việt Cường)

Phát biểu khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, Chủ tịch JetTro Hiroyuki Ishige bày tỏ, JetTro vinh dự trở thành đơn vị cùng đăng cai tổ chức sự kiện kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Chủ tịch JetTro tin tưởng sự tham dự và bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ mở ra tương lai tốt đẹp, đưa sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam phát triển lên tầm mức mới.

Điểm lại những thành quả hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong năm qua, nhất là những nỗ lực đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chủ tịch JetTro Hiroyuki Ishige nhấn mạnh CPTPP sẽ là đòn bẩy đối với các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto, đánh giá Việt Nam là đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; trên nền tảng quan hệ tốt đẹp hiện nay, đã có nhiều dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản đang được thực hiện tại Việt Nam. Ông Yoji Muto cho rằng, cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia, và Nhật Bản đang chú trọng đóng góp vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Việt Nam đang trở thành một đối tác kinh tế vô cùng hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản, sự hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, đến nay, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam với hơn 30 tỷ USD cam kết, đã góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói, giảm nghèo… Về đầu tư, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam, với hơn 3.700 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 50 tỷ USD.

Riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức kỷ lục với gần 10 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở lại vị thế là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

Chủ tịch nước cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các tập đoàn hàng đầu không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Về hợp tác thương mại, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác thương mại quan trọng của nhau với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao. Cùng với đó, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch nước cho biết, đến nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động với GDP đạt khoảng 230 tỷ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỷ USD. Chủ tịch nước cho rằng, với dân số tiệm cận 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu; là nền kinh tế mở và đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 322 tỷ USD từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, bất động sản, năng lượng, du lịch, phân phối... Nhiều tập đoàn quốc tế hàng đầu đang đầu tư, kinh doanh có hiệu quả và đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Hướng tới mục tiêu xây dựng quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ; hệ thống giáo dục tiên tiến... Đây là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh, là thời cơ quý báu để các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản nắm bắt để mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới, sáng tạo cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…”

Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm; đến năm 2020, quy mô GDP đạt 320 - 350 tỷ USD. Chủ tịch nước nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam đang triển khai đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và đổi mới, sáng tạo; chủ động tiếp cận nhằm tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế tri thức; kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài; nâng cao năng lực cạnh tranh; hướng tới phát triển bền vững.

Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản là hai nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, cơ cấu kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau. Hai nước đều là thành viên chủ chốt, đã tích cực thúc đẩy và ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với kỳ vọng mở ra cơ hội và không gian hợp tác kinh tế mới khi có hiệu lực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, luôn coi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhà nước Việt Nam cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển mới. Cánh cửa luôn mở rộng chào đón các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng các bạn sẽ luôn đồng hành cùng chúng tôi viết tiếp những câu chuyện thành công trong tương lai.”

Chủ tịch nước khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản dựa trên sự chia sẻ những lợi ích địa chính trị - kinh tế chiến lược - quan hệ hữu nghị tin cậy đã được vun đắp trong suốt 45 năm qua.

Chủ tịch nước mong muốn, trong thời gian tới hai bên cần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, luôn coi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JetTro) Hiroyuki Ishige, các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã chứng kiến Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ về các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương hai nước.

Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Nhật Bản. (Ảnh: Việt Cường)

Đồng thời, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đại diện Chính phủ Nhật Bản và lãnh đạo các ban ngành của hai nước cùng chứng kiến lễ công bố đường bay thẳng Osaka - Nhật Bản của hàng không thế hệ mới Vietjet.

Đường bay Hà Nội – Osaka dự kiến sẽ được khai thác khứ hồi hàng ngày với thời gian bay mỗi chặng hơn bốn giờ bằng tàu bay A320 mới và hiện đại. Chuyến bay dự kiến khởi hành từ Hà Nội vào lúc 01h45 và đến Osaka lúc 07h50 (giờ địa phương).

Chiều ngược lại cất cánh dự kiến vào lúc 09h20 (giờ địa phương) từ Osaka và tới Hà Nội lúc 13h10.

Với việc khai thác đường bay Hà Nội – Osaka, Vietjet nâng tổng số đường bay quốc tế lên 45 đường bay bên cạnh 38 đường bay quốc nội. Theo dự kiến đường bay từ thủ đô Hà Nội đi Osaka (Nhật Bản) sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 8-11-2018.

Tại buổi lễ, Vietjet và một số công ty tài chính của Nhật Bản như SBI Leasing Services và Natixis cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về cung cấp tài chính tàu bay trị giá gần 600 triệu USD.

Trước đó, Vietjet đã cùng đối tác Nhật đã tổ chức một số chuyến bay từ Việt Nam tới các thành phố Osaka, Narita, Sendai, Nagoya, Komatsu, Ibaraki và Fukushima và các dịch vụ hàng không mới mẻ của hãng đã được khách hàng Nhật Bản rất đón nhận.

Việt Cường/VOV.VN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: