Dịch chuyển lao động trong ASEAN

07/09/2017 13:00 GMT +7
  • Nguồn: TTXVN
  • Tác giả: Việt Thùy
  • Thứ Năm, 07/09/2017 | 13:00

Dân số ASEAN hiện xấp xỉ 630 triệu người. Từ năm 1990 - 2013, lượng lao động di cư nội khối ASEAN tăng từ 1,5 triệu lên 6,5 triệu, với Malaysia, Singapore và Thái Lan nổi lên là các trung tâm di cư chính. Brunei cũng đang hấp dẫn lao động di cư.

Hiện nay, ASEAN có 8 Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) về nghề nghiệp trong ASEAN, bao gồm: dịch vụ kỹ thuật (12 - 2005); dịch vụ điều dưỡng (12 - 2006); dịch vụ kiến trúc; dịch vụ khảo sát (11 - 2007); hành nghề y khoa; hành nghề nha khoa; dịch vụ kế toán (2 - 2009) và hành nghề du lịch (11 - 2012).

ASEAN đã có Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF). Mục đích của AQRF là tạo điều kiện so sánh, đối chiếu các trình độ xuyên quốc gia; hỗ trợ công nhận các trình độ; thúc đẩy học tập suốt đời; khuyến khích phát triển các cách tiếp cận quốc gia để hợp thức kết quả học tập ngoài giáo dục chính quy; thúc đẩy dịch chuyển lao động; khuyến khích sự lưu động của giáo dục và người học; dẫn đến các hệ thống trình độ được hiểu biết tốt hơn; tăng cường các hệ thống trình độ có chất lượng cao hơn.

Về lý thuyết, người lao động trong 8 ngành nghề trên được tự do lưu chuyển trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, song thực tế việc thực hiện công nhận ngành nghề còn khá hạn chế, ngoại trừ ngành du lịch có quá trình thực hiện tương đối nhanh. Tháng 9 năm ngoái, ASEAN cũng đã thành lập trang web cung cấp cơ sở dữ liệu để hướng tới công nhận văn bằng chứng chỉ du lịch. Ngành du lịch có tiêu chuẩn rõ ràng. Vì vậy, từ khu vực đào tạo sang khu vực sử dụng lao động không có quá nhiều khác biệt.

Hiện nay, Việt Nam mới có 196 kỹ sư và 10 kiến trúc sư được công nhận là kỹ sư và kiến trúc sư ASEAN. Các ngành còn lại vẫn chưa có người được công nhận. ASEAN đã có khung tham chiếu trình độ. Do vậy, các quốc gia phải thành lập Ủy ban khung tham chiếu trình độ ASEAN và tiến hành tham chiếu. Theo kế hoạch, ASEAN sẽ hoàn tất quá trình tham chiếu vào năm 2018. Việt Nam đã có khung trình độ quốc gia được công bố chính thức vào tháng 10 - 2016. Tuy vậy, các quy trình tham chiếu của Việt Nam còn chậm hơn so với các nước khác.

Về bản chất, tự do dịch chuyển lao động có tay nghề không phải là tự do hoàn toàn mà chỉ là tự do hơn. Sự tự do đó vẫn vấp phải nhiều rào cản, như thể chế chính trị, văn hóa - xã hội, ngôn ngữ… Để đạt được mục tiêu đề ra về tự do di chuyển lao động có tay nghề trong Hiệp hội, điều cần thiết là các bên phải làm việc theo cơ chế tự nguyện song phương và dựa trên quy luật cung cầu. Các kỹ sư, kiến trúc sư không phải cứ được công nhận là kỹ sư, kiến trúc sư ASEAN thì được dịch chuyển tự do trong Hiệp hội để làm việc. Họ phải được nước tiếp nhận cấp đăng ký cấp phép công nhận kỹ sư nước ngoài làm việc tại nước đó. Việc công nhận là lao động ASEAN mới chỉ là điều kiện cần. Khi nước sở tại không có nhu cầu tuyển dụng, các thỏa thuận công nhận cũng không thể đi đến được hiệu quả cuối cùng. Hơn nữa, với mỗi ngành ở mỗi nước lại có những cơ chế và đặc thù riêng, như ngành y ở Việt Nam có Tây y, Đông y. Điều này cũng là điểm hạn chế cho lao động có tay nghề ASEAN đã được công nhận.

Việt Thùy (Theo TTXVN)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: