Lao động nhập cư ASEAN gặp nhiều rào cản

25/03/2018 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo SGGP Online
  • Chủ Nhật, 25/03/2018 | 11:00

Theo Nikkei Asian Review, dòng chảy lao động nhập cư tăng nhanh giữa các nước ASEAN đã cho thấy sự hội nhập của khu vực này trong lĩnh vực kinh tế. Việc cải tiến các chính sách dành cho lao động nhập cư không những tăng phúc lợi cho lao động mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước sở tại.

Nhiều lợi ích

Cũng theo Nikkei Asian Review, tuy dòng dịch chuyển lao động nhập cư giữa các nước Đông Nam Á không cao như các quốc gia khác trên thế giới, nhưng số lượng lao động này đã tăng gấp 3 lần trong vòng 20 năm qua, lên đến 7 triệu người, bao gồm cả lao động nhập cư không có giấy tờ hợp pháp. Nếu cải thiện hơn nữa chính sách dành cho lao động nhập cư, nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan và Malaysia sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ các lao động nước ngoài có kỹ năng, giảm bớt áp lực về dân số già và giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nhiều ngành nghề. Còn với các nước xuất khẩu lao động như Indonesia, Philippines và Việt Nam, khoản tiền mà lao động nhập cư gửi về góp phần cải thiện thu nhập cho hộ gia đình và giảm bớt đói nghèo.

Lao động nhập cư Myanmar làm việc tại Thái Lan.

Với dân số lên tới 630 triệu người, ASEAN là khu vực có nguồn lao động dồi dào. Theo thống kê gần đây, mức thu nhập của một lao động Singapore cao trung bình gấp 5 lần so với quốc gia khác trong khối. Vì thế, đây là một trong những điểm đến hấp dẫn lao động nhập cư ở ASEAN, nhất là các lao động có kỹ năng. Nghiên cứu về tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cho thấy ở Malaysia, 10% lao động nhập cư có tay nghề thấp sẽ giúp tăng sản lượng nội địa khoảng 1,1%. Tại Thái Lan, nếu không có lao động nhập cư, GDP sẽ giảm 0,75%. Xuất khẩu lao động cũng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Philippines (khoảng 10% GDP). Tại Philippines, nếu gia đình nào có một thành viên lao động ở nước ngoài thì sẽ có cơ hội thoát nghèo gấp đôi gia đình khác.

Theo báo cáo “Di cư tìm cơ hội” của Ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng di cư nội khối ASEAN đã tăng đáng kể trong giai đoạn 1995 - 2015 và biến Thái Lan, Malaysia và Singapore trở thành trung tâm nhập cư trong khu vực với 6,5 triệu người lao động di cư, chiếm 96% tổng số lao động di cư trong khối. Trong số đó, Thái Lan đã nhận 3,75 triệu người nhập cư đến từ Myanmar, Lào và Campuchia; Malaysia tiếp nhận 1,48 triệu người nhập cư, phần lớn là từ Indonesia và Myanmar trong khi Singapore là điểm đến của hơn 1 triệu người nhập cư. Năm 2015, các nước xuất khẩu lao động trong khối đã nhận được tổng cộng 62 tỉ USD kiều hối. Kiều hối chiếm 10% GDP tại Philippines, 7% tại Việt Nam, 5% tại Myanmar và 3% tại Campuchia.

Hạn chế ở quy định nhập cư

Nhận định về việc cải tiến các chính sách dành cho lao động nhập cư, ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho rằng nếu có chính sách đúng đắn, các nước có lao động xuất khẩu sẽ thu được lợi ích kinh tế và bảo vệ được lao động của mình.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, quy định nhập cư trong khu vực ASEAN còn hạn chế. Rào cản di cư như quy trình tuyển dụng mất thời gian và tốn kém, quy định hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài, chính sách việc làm ngặt nghèo… đã và đang hạn chế cơ hội của người lao động và tác động lên phúc lợi của họ. Những chính sách hạn chế này bắt nguồn từ suy nghĩ rằng lao động nhập cư có thể có ảnh hưởng tiêu cực lên các nước nhận lao động. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại như ở Thái Lan và Malaysia. ASEAN có thể áp dụng nhiều chính sách khác để tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn cho người lao động. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát các cơ quan tuyển dụng lao động và quốc gia tiếp nhận lao động cũng có thể áp dụng các biện pháp để tận dụng tối đa quá trình di cư lao động này.

Thanh Hằng/Báo SGGP Online

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: