Nỗ lực giải cứu những binh lính trẻ em

03/05/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
  • Thứ Năm, 03/05/2018 | 13:00

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây tổ chức lễ "Buông vũ khí’’ ở thị trấn Yambio, tây nam Nam Sudan, sau khi các tổ chức vũ trang tại quốc gia non trẻ nhất châu Phi này trả tự do cho hơn 200 trẻ em bị ép buộc cầm súng. Những nỗ lực cứu trẻ em bị tuyển mộ tham gia các cuộc chiến tiếp tục được tiến hành nhằm ngăn chặn vấn nạn nguy hiểm này.

Trong số các trẻ em được giải cứu ở Nam Sudan lần này có 95 bé gái, nhiều em chỉ ở độ tuổi 14. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 500 binh lính trẻ em được trả tự do và tổ chức này hy vọng 1.000 em nữa sẽ được trả tự do trong những tháng tới. Kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra tại Nam Sudan hồi năm 2013, hàng chục nghìn trẻ em bị ép buộc đi lính.

Theo LHQ, vẫn còn khoảng 19 nghìn trẻ em quốc gia này tiếp tục bị các lực lượng vũ trang lợi dụng trong hơn bốn năm qua. Những nỗ lực trả tự do cho các em cũng phức tạp hơn do các cuộc giao tranh triền miên từ tháng 6-2016 đến nay.

Nhiều trẻ em ở Nam Sudan bị bắt đi lính. (Ảnh: Azaniapost)

Theo đại diện UNICEF tại Nam Sudan, trong số những binh lính trẻ em được trả tự do, những em có người thân sẽ được đoàn tụ với gia đình, trong khi những em còn lại sẽ được đưa tới các trung tâm chăm sóc tạm thời cho tới khi tìm được gia đình. Ngoài ra, các em cũng sẽ được hưởng trợ cấp lương thực, đào tạo hướng nghiệp và tiếp cận các dịch vụ giáo dục theo từng lứa tuổi. Tuy nhiên, việc hạ vũ khí và hòa nhập lại cuộc sống bình thường chỉ là khởi đầu của một cuộc hành trình. Các tổ chức cứu trợ quan ngại rằng, nếu không duy trì được hòa bình, bạo lực leo thang sẽ khiến trẻ em buộc phải quay trở lại các nhóm vũ trang.

Nam Sudan rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn từ tháng 12-2013 sau khi tranh chấp chính trị giữa Tổng thống S.Kiir và cựu Phó Tổng thống R.Machar xảy ra, dẫn đến cuộc chiến giữa các chiến binh thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với Tổng thống Kia chống lại nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar. Xung đột và nội chiến kéo dài đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến dòng người tìm kiếm tị nạn ở nước này gia tăng nhanh nhất thế giới. Các cơ quan LHQ cảnh báo, có tới 5,3 triệu người, khoảng một nửa dân số nước này, đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp.

Xung đột kéo theo những hệ lụy về kinh tế. Tình trạng siêu lạm phát tại Nam Sudan đã lên mức đỉnh điểm vào khoảng 500% vào năm 2016 và giảm xuống còn 155% vào năm 2017, khiến giá cả tăng vọt. Theo Ngân hàng Thế giới, sản lượng dầu đã giảm xuống còn khoảng 120 nghìn thùng/ngày, từ mức đỉnh 350 nghìn thùng/ngày trước khi Nam Sudan tách ra từ Sudan thành quốc gia độc lập. Một thỏa thuận hòa bình được ký kết hồi tháng 8-2015 giữa các nhà lãnh đạo Nam Sudan và phe đối lập dưới áp lực của LHQ, dẫn tới thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất tháng 4-2016. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ tháng 7-2016.

Trước nguy cơ xung đột kéo theo thảm họa nhân đạo tồi tệ và những vấn đề xã hội, Hội đồng Bảo an LHQ cho biết, sẽ kéo dài sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan thêm một năm nữa và cảnh báo sẽ ban hành lệnh cấm vận vũ khí tại đây nếu giao tranh còn tiếp diễn. Mỹ cũng đề nghị Liên minh châu Phi (AU), khối các quốc gia Ðông Phi, Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể gây trở ngại đối với tiến trình hòa bình tại Nam Sudan. Nếu không có các biện pháp chấm dứt bạo lực thì nguy cơ những đứa trẻ bị bắt đi lính vẫn tiếp diễn và quốc gia châu Phi này khó có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn xung đột - đói nghèo.

Hà Anh/Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: