• Văn hóa - Thể thao

Bang Long - giếng nước xưa và Long Phú hôm nay

24/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 24/04/2019 | 06:00

STO - Bang Long – giếng nước là tên gọi rất thông dụng của quận Long Phú trong thời kỳ trước năm 1945. Tên gọi đó được thể hiện ở các văn bản hành chính xưa thường chỉ sử dụng tên Bang Long, nhưng trong thực tế người dân ở Sóc Trăng quen gọi là Bang Long gắn liền giếng nước (Bang Long – giếng nước), đôi khi địa danh này còn viết là Ban Long (không có chữ g).

Một góc thị trấn Long Phú, huyện Long Phú.

Theo dòng lịch sử và các cụ cao niên ở địa phương cho biết, nguồn gốc địa danh Bang Long được hình thành theo cách đặt tên của người dân bản xứ (gồm người Kinh và người Khmer). Chữ Bang được bắt nguồn từ chữ pâng, peng (péang) của người Khmer được người Kinh phát âm thành Bang hoặc Bưng (bưng liền – là nơi chỉ vùng đất thấp) đất trầm (cầm) thủy quanh năm. Long là tên người chủ đất, cũng có thể là tên người khai phá đầu tiên hay là người cư ngụ lâu đời trên vùng đất đó.

Có ý kiến cho rằng Bang Long được phát âm từ cách phát âm của người Kinh là Bưng Lung (cụm từ này để chỉ một vùng đất rất trũng thấp, như: lung sen, lung đen, lung thầy Tần, lung Hà bá…), hoặc đó là tên gọi của người có chức sắc trong làng Ban Biện Long. Nhưng cách lý giải này hoàn toàn không chính xác, vì Bang Long xuất hiện từ trước thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Sóc Trăng, trong khi các tên gọi chức sắc làng xã xưa kia như: Hương Cả, Hương Sự, Ban Biện… chỉ được hình thành sau khi thực dân Pháp thiết lập chính quyền.

Về tên gọi giếng nước, có nhiều nguồn tư liệu giải thích khác nhau nhưng có một cách giải thích có thể tin cậy được là: toàn bộ địa bàn thị trấn, quận Long Phú xưa kia là một vùng đất trũng, thấp lại thêm mực nước biển thường xuyên thâm nhập rất sâu vào đất liền, vì thế nước ngọt rất hiếm. Cho nên sau khi thực dân Pháp thành lập quận, lỵ Bang Long thì tên chủ quận đầu tiên liền tiến hành cho xây dựng một giếng nước ngọt ngay trung tâm quận để phục vụ cho các công chức của chính quyền sở tại. Nhưng dần dần do sức ép của nhân dân trong vùng, giếng nước đó trở thành giếng nước cộng đồng. Giếng nước được đào sâu xuống lòng đất và viền gạch xung quanh giếng như kiểu các giếng nước người Chăm.

Đến những năm 1910 – 1915, do nhu cầu người dân sinh hoạt ngày càng nhiều nên nhiều người dân đã tự đào giếng nước riêng, giếng nước cộng đồng trở nên hoang phế, dần dần bị lấp mất. Cho đến khi chợ Bang Long hình thành thì giếng nước không còn nữa, nhưng tên gọi Bang Long – giếng nước vẫn tiếp tục tồn tại trong dân gian.

Long Phú hôm nay đã và đang trên con đường phát triển mạnh mẽ tiến tới CNH, HĐH cả công nghiệp lẫn nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đặc biệt Đảng bộ và nhân dân Long Phú đang ra sức phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 – 2020, đến nay đã có gần phân nửa chỉ tiêu hoàn thành trước thời hạn. Điều đáng phấn khởi là hiện nay trên toàn địa bàn huyện đang “nở rộ” nhiều dự án, mô hình sản xuất nông sản liên kết bền vững, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sự khởi sắc đó đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, biết phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết của nhân dân để xây dựng quê hương Bang Long – Giếng nước xưa và Long Phú hôm nay trên con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: