• Văn hóa - Thể thao

Cá cháy Đại Ngãi… lên Sài Gòn

21/03/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 21/03/2020 | 06:00

STO - Hồi xưa, Vàm Tấn - vàm Đại Ngãi hay thương cảng Đại Ngãi (thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú ngày nay) là 1 trong 2 cửa ngõ xuất khẩu lưu thông hàng hóa quan trọng nhất của tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ. Tại đây, còn có con cá cháy ngon đến mức được mệnh danh là “Kỳ trân, thủy vật” ngon bậc nhất của sông Hậu.

Ngư dân thứ thiệt

Bác Bảy Quang, 84 tuổi, ngư dân xưa ở ấp Ngãi Hội 1, thị trấn Đại Ngãi (Long Phú) kể lại: “Gia đình bác về đây định cư từ năm 1945. Lúc đó nhà nghèo, không vốn liếng, ruộng đất, nên ba bác là cụ Năm Viên chỉ biết kiếm sống bằng nghề chài lưới trên vàm sông Đại Ngãi này để nuôi vợ con”.

Sông cái Đại Ngãi thường trở “nước son” vào khoảng tháng 7 – 8 trong năm. Đây là nước phù sa từ Biển Hồ qua Châu Đốc (An Giang) đổ về. Lúc này trên sông có nhiều loài cá như bông lau, tra bần, lăng hơ, sắc bụng… trong đó cũng có cá cháy nhưng số lượng đánh bắt không đáng kể.

Rồi đến mùa “gió chướng non qua gió chướng già” - khoảng cuối tháng 11 đến tháng giêng - nước sông Hậu rút xuống thấp, nước mặn từ biển dâng lên thì đây là lúc chính vụ “đông ken” để khai thác cá cháy từ biển về đây sinh đẻ. Đặc biệt cá cháy chỉ quanh quẩn trên vàm Đại Ngãi đến Kế Sách và cao nhất là Trà Ôn… chớ không xa hơn nữa.

Cá cháy “so” còn nhỏ nặng khoảng 1 ký, cá cháy lứa nặng 2 ký, cá cháy “gộc” hay cá cháy già là cá lớn hết cỡ nặng khoảng 3 ký. Từ đầu cá kéo xuống kỳ lưng hơn lóng tay, có sọc xanh đến xám đen. Bụng nó có vẩy to, bự cỡ móng tay cái, màu óng ánh bạc pha vàng đất… Nhìn chung hình dạng giống như cá dảnh, mình bầu dục và bụng tròn hơn vì cá mái mang cặp trứng rất lớn.

Bác Bảy Quang đập mạnh vào bắp tay mình, cười lớn, kể tiếp: “Cặp trứng nó bự như 2 cái bắp tay của bác. Trứng đặc kẹo vàng lườm lòi ra tới lỗ hậu. Hột trứng vàng lớn hơn trứng cá lóc một chút và ăn rất béo. Nếu ham ăn, không biết cách trị như: ăn cặp với vẩy cá nướng hay dầm nhuyễn trứng trong tô canh mẳn, mà cứ gắp nguyên dề trứng ăn cho đã miệng thì mình dễ bị “Tào Tháo rượt” mà không hay, vì trứng có nhiều chất dầu” (?). Cũng nhờ chất dầu này mà trứng nổi trên mặt nước, trôi trên sông rồi nở thành cá con. Cá lớn trộng trộng cỡ hơn lóng tay thì bơi ra biển, phát triển thành cá giống lớn cho những mùa cá hội năm sau.

“Nghe nói vậy, chớ nhà bác không chài được giống cá cháy con này bao giờ. Chỉ có “nhà bạn” là dân đóng đáy trên sông mới gặp đám cá con này. Bởi vậy, bác cũng không biết tại sao loài cá ngon bậc nhất vàm sông Đại Ngãi này tự nhiên mất dần vào lối năm 1960…” - bác Bảy Quang tiếp lời.

Chà nghe tiếc quá! Nhưng lúc đó bác Bảy đánh bắt cá cháy như thế nào? – Tôi chắt lưỡi tiếc nuối, khéo léo gợi chuyện.

Bác Bảy kể: Lúc đó vừa qua năm Nhật đảo chánh Tây (Pháp) 1945 rồi Tây trở lại, bọn chúng kiểm soát gắt “củ kiệu” mọi hoạt động của người dân. Cá cháy thường đi theo đàn, ít ăn mồi nên rất khó câu. Bọn chúng chỉ ăn theo bợn nước - dân trong nghề gọi là “hớp sương, đớp bóng” - nên chỉ có dân chài lưới và đóng đáy trên sông mới bắt được chúng. Lúc đó, ngay từ đầu hôm, bác Bảy phụ ba mình là cụ Năm Viên bơi xuồng miết ra gần sông cái. Đợi nửa đêm gần sáng, sương mù dày đặc trên sông, hai cha con bác mới bắt đầu bủa câu, buông chài trở về vàm Đại Ngãi để kịp bắt cá tươi, bán buổi chợ sớm...

Nhưng ngặt nỗi Tây chỉ cho mình khai thác từ bờ bên này ra tới nửa sông. Còn nửa bờ sông bên kia, rộng cả cây số ngàn, có “búng nước mặn”, luồng cá chạy nhiều thì nó cấm tiệt, vì sợ dân chài liên lạc, tiếp tế với Việt Minh. Cấm thì cấm vậy, cha con bác cũng lén lén xé rào “vượt hải phận” mới kiếm được cá nhiều. Biết dân chài mình liều, bọn Tây chơi khăm, chúng đóng tuần giang, bo bo “ém” sẵn trong khém Phụng Tường vàm Trà Ếch, rồi phóng ống dòm qua kiểm tra hồi nào mình không hay. Chỉ biết khi bọn chúng bắn súng đùng đùng trước mũi ghe. Rồi bo bo phóng ào ào, nó chạy xé gió tới 4 – 5 lượn sóng, xuồng chài nhỏ mà bị mấy ông nội “sóng bo bo” này đập tới dễ bị lật như chơi!...”.

Trời đất ơi! Vậy mấy ông Tây có phạt vạ gì mình không bác Bảy? – Tôi hồi hộp hỏi dồn.

Không! Tụi nó chỉ tịch thu ghe xuồng và đồ nghề là mình bó tay, hết phương sinh sống!  

Bác Bảy cười to, tiếp lời: “Lúc đó, ba bác đi cầu viện, xin xỏ, năn nỉ mấy ông quan Tây rằng: Nghèo quá, toàn là dân tứ xứ về đây lập nghiệp, không tiền bạc, vốn liếng, chỉ kiếm sống bằng nghề hạ bạc… Than thở vậy mà chúng cũng thông cảm bỏ qua!... Nhờ vậy mà bác còn theo ba làm nghề chài, nghề câu, tích lũy vốn liếng mua ruộng đất sinh kế. Cho đến khoảng năm 1960 - cá cháy tự nhiên tuyệt chủng và từ đó bác cũng bỏ nghề lên bờ sống yên ổn với vợ con tới bây giờ”.

Vương Khánh Hưng

(Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: