• Văn hóa - Thể thao

Con đường mang tên Lê Hoàng Chu

30/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 30/09/2019 | 06:00

STO - Lê Hoàng Chu (tên thường gọi là Lê Giáo Huấn), sinh năm 1908 tại Trà Vinh. Từ nhỏ, Lê Hoàng Chu nổi tiếng là một học trò thông minh, học giỏi. Vì không chịu nổi cảnh ức hiếp tá điền của bọn địa chủ, cường hào gian ác trong vùng nên cha của ông cùng một số nông dân đứng lên đòi ruộng đất, đòi giảm tô… Từ đó, không thể sống trên mảnh đất quê nhà, do đó hai cha con ông phải lưu lạc tới làng Mỹ Quới, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng).

Lê Hoàng Chu sớm nhận thấy sự bất công trong xã hội đương thời và từ đó nuôi ước mơ, hoài bão là làm sao cho dân hiểu được do đâu mà có cuộc sống nghèo khổ, lầm than, khổ cực, vì sao người dân bị áp bức, bóc lột… nên ông tham gia phong trào yêu nước. Và dần dần ông đã nhận thức sâu sắc rằng, muốn cho dân có cuộc sống áo ấm, cơm no, tự do, hạnh phúc thì phải đánh đuổi bọn thực dân, phong kiến.

Là đảng viên Chi hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), Lê Hoàng Chu cùng với chi bộ tổ chức tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, tổ chức quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực chống áp bức, bóc lột của địa chủ, quan làng. Tháng 6-1930, Chi bộ đảng làng Mỹ Quới được thành lập, Lê Hoàng Chu vào Đảng và cùng với các đồng chí của mình tích cực tham gia đấu tranh vì lợi ích của người lao động.

Đến đầu năm 1936, Quận ủy Phước Long được thành lập, Lê Hoàng Chu được giao nhiệm vụ phụ trách mặt trận, đoàn thể. Cũng trong thời gian này, một cơ sở hợp pháp do Lê Hoàng Chu và Trần Văn Bảy chỉ đạo đã được thành lập tại chợ Mỹ Quới. Tại đây, các tài liệu mật, những chỉ thị hành động của Quận ủy đã được đưa về tới chi bộ, cơ sở cách mạng.

Năm 1938, đồng chí Lê Hoàng Chu là Ủy viên Thường vụ Quận ủy Phước Long được tăng cường về Ninh Quới tham gia vào Ban Chấp hành Hội Ái Hữu. Trong tình hình địch tăng cường khủng bố gắt gao, Lê Hoàng Chu được điều về quận Châu Thành (nay là huyện Mỹ Tú) hoạt động. Cuối năm 1943, Lê Hoàng Chu lại được điều về Mỹ Quới.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Hoàng Chu được Liên Tỉnh ủy điều về Bạc Liêu công tác. Sang năm 1946, Lê Hoàng Chu lại một lần nữa được điều về quận Châu Thành hoạt động. Cuối năm 1946, Ban Cán sự Đảng quận Châu Thành được thành lập, Lê Hoàng Chu là Ủy viên Thường vụ Ban Cán sự đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh, đồng chí Lê Hoàng Chu còn phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện cán bộ và chính trị, tư tưởng.

Đến tháng 2-1948, đồng chí Lê Hoàng Chu được bầu làm Bí thư Quận ủy Châu Thành. Đồng chí mạnh dạn đề xuất lấy địa bàn các làng Mỹ Quới, Vĩnh Quới, Tân Long làm Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Đến năm 1954, Lê Hoàng Chu được Tỉnh ủy phân công ở lại miền Nam công tác. Lúc này, Chi bộ Mỹ Quới rút vào hoạt động bí mật, đồng chí Lê Hoàng Chu đảm nhiệm bí thư xã ủy tiếp tục hoạt động, tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng trong quần chúng chống lại chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”; chống lại “kế hoạch dồn dân vào khu trù mật” của địch...

Đầu năm 1961, Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Sóc Trăng được thành lập, đồng chí Lê Hoàng Chu được bầu làm chủ tịch.

Đồng chí Lê Hoàng Chu từ trần năm 1976. Để nhớ ơn và công lao cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, vì độc lập, tự do cho dân, cho nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng lấy tên của ông đặt tên một con đường thuộc Phường 7 (TP. Sóc Trăng), đường Lê Hoàng Chu.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: