• Văn hóa - Thể thao

Đi tìm một chút “nửa đời hư”

30/03/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 30/03/2019 | 06:00

STO - Tôi biết đến cố học giả Vương Hồng Sển đầu tiên qua những đoạn trích ngắn bàn về cổ vật vô tình đọc được trên mạng. Lối văn của cụ nửa đùa, nửa thật nhưng chứa hàm lượng thông tin lớn và rất chất lượng. Càng bất ngờ hơn khi biết cụ là một học giả lớn của Nam bộ xuất thân ở đất Sóc Trăng trong thế kỷ 20 sánh ngang với tên tuổi các học giả Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam... Là người thích khám phá, tìm hiểu về văn hóa nên tôi cũng ngưỡng mộ và phần nào là tự cảm thấy mang ơn cụ từ lâu.

Dịp tết vừa qua, vô tình thấy ảnh gia đình của một chị đồng nghiệp có bàn thờ cụ Vương Hồng Sển, hỏi thăm thì được biết chị Vương Thị Thanh Hằng là cháu gọi cụ là ông bác. Căn nhà gia đình chị đang sống là nhà tổ của gia đình họ Vương - Sóc Trăng, là nơi gắn bó với tuổi thơ của cố học giả Vương Hồng Sển được cụ nhắc đến trong hồi ký “Hơn nửa đời hư” nổi tiếng. Không bỏ qua cơ hội này, tôi xin phép chị đến nhà vừa để ghi chép lại những ký ức về cụ Sển qua lời kể của những người thân từng sống bên cụ, vừa thắp nén nhang thể hiện lòng tri ân.

Tranh chân dung cố học giả Vương Hồng Sển bằng chất liệu sơn mài khảm vỏ trứng do chính tay con trai cụ là ông Vương Hồng Bảo thực hiện.

Khó ai có thể hình dung nhà tổ họ Vương tọa lạc ngay đường Hai Bà Trưng (Phường 1, TP. Sóc Trăng) - tuyến đường thương mại sầm uất nhất thành phố này. Mặt tiền của căn nhà được cho thuê để kinh doanh, con cháu họ Vương vẫn sinh sống ở gian sau và tầng trên của ngôi nhà. Bước qua lối cầu thang để dẫn đến không gian riêng của gia đình họ Vương, tôi như cảm thấy bước vào một thế giới khác hẳn. Gian phòng khách ở lầu 1 khá rộng, đủ để đặt 3 tủ thờ liên tiếp và một bộ bàn lớn để tiếp khách mà vẫn còn không gian di chuyển thoải mái. Bàn thờ cụ Vương Hồng Sển là một tủ sách cửa kính - có lẽ những quyển sách trong tủ chủ yếu là sách do cụ viết. Nhờ chị Hằng hẹn giúp nên khi đến, tôi được gặp cô Vương Thị Kim Anh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu là cháu ruột gọi cụ Sển là bác Hai. Cô Kim Anh từng có một thời gian sống gần cụ ở Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh).

Theo lời cô Kim Anh, cụ khá khó tính theo kiểu nề nếp gia phong. Con cháu trong nhà phải đi thưa về trình. Sách vở, tài liệu của cụ, người thân, bạn bè cứ lấy đọc thoải mái nhưng không được phép mang ra khỏi nhà vì cụ sợ mang đi sẽ mất. Cách đọc sách, sưu tầm tài liệu của cụ cũng rất đặc biệt. Không chỉ sưu tầm sách, đọc sách, cụ còn sưu tầm cả những bài báo, ghi chép dư luận về quyển sách đó rồi kẹp vào sách để dành. Khi cô Kim Anh sống với cụ, tuy cụ cũng đã cao tuổi nhưng những hiện tượng văn hóa mới cụ đều quan tâm theo dõi. Thập niên 70 là thời kỳ rực rỡ của diễn viên Lý Tiểu Long - một hiện tượng trong làng phim điện ảnh võ thuật châu Á. Cụ Sển đã cao tuổi nhưng vẫn nhất quyết phải đi xem phim của Lý Tiểu Long để tìm hiểu.

Nhắc đến cụ Sển không thể không nói đến thú sưu tầm cổ ngoạn (chơi đồ cổ) của cụ. Cô Kim Anh hồi tưởng: “Đa phần, người ta chơi đồ cổ là thích có món vật cổ, đẹp để trưng trong nhà hoặc để khoe. Còn bác Hai mỗi lần mua được món đồ cổ là phải truy rõ ngọn nguồn của món đồ, những câu chuyện liên quan đến nó rồi ghi chép tỉ mỉ để lưu lại. Tôi chưa từng thấy ai mê đồ cổ như cụ. Có những món mới mua được, cụ mê mẩn săm soi, sờ mó mãi, đến khi ngủ vẫn tiếp tục mang vào mùng…”.

Về chuyện tiếp khách của cụ, cô Kim Anh cho biết, là học giả nổi tiếng nên muốn gặp cụ phải hẹn trước. Gặp được người tâm đầu, ý hợp, có khi chủ - khách mải mê trò chuyện đến 7 - 8 giờ tối mà quên luôn cơm chiều. Cụ tỉ mỉ trong công việc, khó tính trong giáo dục con cháu nhưng tính tình cụ khá vui vẻ. Khi những người bạn thân như Nguyễn Hiến Lê, Tôn nữ Hỷ Khương và đặc biệt là nhà thơ Tế Nhị (Lê Văn Chính) đến chơi, các cụ cũng nói đùa, nói láy rất rôm rả.

Không sống gần cụ nên chị Hằng cũng không biết nhiều về cụ. Có lần, chị cùng những người cháu đến thăm, cụ mang chiếc chén “tham thì thâm” ra để giáo dục các cháu. Chén có cấu tạo đặc biệt, chỉ có thể rót 8 phần chén, nếu rót đầy, tất cả nước trong chén sẽ chảy qua lỗ nhỏ không còn giọt nước nào. Chén được người xưa làm ra để răn dạy con cháu phải biết chừng mực, không nên tham lam…

Những câu chuyện về cụ cứ thế được cô Kim Anh và chị Hằng kể cho chúng tôi nghe. Ở nội dung bài viết ngắn này, tôi không có ý định viết tiểu sử về cụ vì đã có hồi ký “Hơn nửa đời hư” mà cụ đã tự kể về mình. Với mục đích lượm lặt những mảnh ký ức về cố học giả Vương Hồng Sển, thiết nghĩ, với chúng tôi như vậy đã là quá đủ. Viết về cụ, đó là một cách để nhắc nhớ về một học giả nổi tiếng của đất Sóc Trăng trong thế kỷ 20, để các thế hệ trẻ của vùng đất này tự tin rằng người Sóc Trăng cũng có những người nổi tiếng về con đường học thuật...

Vương Hồng Sển (1902 - 1996), ông là người sống gần trọn thế kỷ XX, chứng kiến nhiều biến cố lịch sử Việt Nam. Ông am tường nhiều lĩnh vực liên quan đến văn hóa Nam bộ và là nhà sưu tập cổ ngoạn nổi tiếng Việt Nam. Ông trở thành một nhà nghiên cứu khoa học và là tác giả của nhiều bộ sách khảo cứu về đồ gốm sứ Trung Hoa, Việt Nam. Trước khi qua đời, ông đã hiến toàn bộ sản nghiệp của mình cho Nhà nước, bao gồm ngôi nhà cổ trên trăm tuổi bằng gỗ chứa đựng bộ sưu tập sách quý và bộ sưu tập cổ vật đồ sộ. (Địa chí tỉnh Sóc Trăng)

Anh Thụy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: