• Văn hóa - Thể thao

Địa danh An Thạnh 1

28/06/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 28/06/2020 | 06:00

An Thạnh 1 là 1 trong 8 xã của huyện Cù Lao Dung, diện tích tự nhiên gần 5.000ha, dân số trên 14.300 người, đại bộ phận là dân tộc Kinh, họ sống theo dọc các kênh, rạch, nghề sản xuất chính là nghề làm vườn, trồng rẫy và nuôi thủy sản. Xã An Thạnh 1 có 3 ấp là An Thường, An Trung và An Trung A; phía Đông giáp tỉnh Trà Vinh, phía Tây giáp Đại Ngãi (Long Phú), phía Bắc giáp xã Nhơn Mỹ (Kế Sách), phía Nam giáp thị trấn Cù Lao Dung.

An Thạnh 1 là 1 trong 8 xã của huyện Cù Lao Dung, diện tích tự nhiên gần 5.000ha, dân số trên 14.300 người, đại bộ phận là dân tộc Kinh, họ sống theo dọc các kênh, rạch, nghề sản xuất chính là nghề làm vườn, trồng rẫy và nuôi thủy sản. Xã An Thạnh 1 có 4 ấp là An Thường, An Trung, An Phú và An Lạc; phía Đông giáp tỉnh Trà Vinh, phía Tây giáp Đại Ngãi (Long Phú), phía Bắc giáp xã Nhơn Mỹ (Kế Sách), phía Nam giáp thị trấn Cù Lao Dung.

Vùng đất An Thạnh 1 được hình thành do sự bồi lắng của phù sa thuộc hệ thống sông Cửu Long. Theo “phủ niên tạp lục” của Lê Quý Đôn, cách đây mấy ngàn năm, vùng đất Cù Lao Dung còn lạc giữa biển nước mênh mông, dưới tác động của thủy triều lác đác, đó, đây nổi lên những cồn cát giống như những đảo hoang, lúc thủy triều lên cao, nhìn xa chỉ thấy toàn là nước và khi triều xuống thì những bãi cát cồn nhô lên khỏi mặt nước. Theo thời gian, dưới tác động của các dòng hải lưu, sự bồi lắng diễn ra càng nhanh, những cồn cát lớn dần nhô lên khỏi mặt nước, và cứ thế sông, biển bị thu hẹp dần. Giữa những cồn cát này có nhiều kênh, rạch rất sâu, nước chảy xiết ngày đêm thầm lặng mang theo phù sa tiếp tục bồi đắp thêm những bãi cồn mới. Với sự hình thành các “đảo hoang” đó đã tạo nên một quần thể động thực vật phong phú, những loài thực vật quen sống vùng phèn, mặn như: ô rô, cóc kèn, bần, đước, mắm, dừa nước… phát triển nhanh, hình thành những dãy rừng xanh bạt ngàn rất thích hợp cho muôn thú như: cọp, heo rừng, khỉ, chim chóc, dơi và các loài tôm, cá, cua… cư trú.

Đến thế kỷ XVII, đất Cù Lao Dung cơ bản hình thành nhưng chủ yếu là rừng rậm hoang vu chưa có con người đến sinh sống và cũng chưa có tên gọi.

Quá trình khai khẩn, định cư và hình thành đất Cù Lao Dung bắt đầu giữa thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Theo sách “Gia Định thành thông chí” và những truyền thuyết dân gian: Cù Lao Dung có nhiều tên gọi khác nhau như là “Hoàng Dung” hay cù lao “Cây Dung”; chiều dài khoảng 35 dặm nằm phía sau sông Bá Sắc, Định An, có một vị trí rất quan trọng, ngoài việc án ngữ các cửa sông lớn ra biển Đông còn nằm trên tuyến giao thông thủy nối liền 2 tỉnh Sóc Trăng – Trà Vinh và Nam bộ.

Khi phát hiện những dãy đất Cù Lao Dung bạt ngàn, màu mỡ, những cư dân từ đất liền đi ghe, xuồng vượt sông Hậu tiến về đất mới, họ đi theo các kênh, rạch tổ chức cắm ranh và tự thỏa thuận nhau sở hữu khu vực ấy. Sau đó, những người đi mở đất tiếp tục chiêu mộ thêm cư dân đến khai phá, phần lớn những người này đều nằm trong thân tộc. Như vậy, xét về thực chất xã hội thì Cù Lao Dung nói chung, An Thạnh 1 nói riêng không có địa chủ như đúng tên gọi; những người có nhiều đất như: Huỳnh Kim Long (xã Long), Hàm Nững, Lương Văn Chọn, Lương An Nhơn… thực chất chỉ là những cư dân đầu tiên đi khai phá vùng đất mới. Do vậy, xét về mặt lịch sử, họ đồng nghĩa với tên gọi “những người đi mở đất”. Toàn vùng đất Cù Lao Dung trong quá trình hình thành và phát triển, dân cư nơi đây không có mối quan hệ “địa chủ – tá điền”. Cái cảnh bóc lột theo kiểu phát canh, thu tô dường như không tồn tại trên mảnh đất Cù Lao Dung.

Cách đây vài trăm năm, Cù Lao Dung hình thành 2 làng là An Thạnh 1 và An Thạnh 2. Khi người dân đã an cư, họ mới cử người ra Huế xin được sắc phong để chính thức được công nhận và đặt dưới sự bảo hộ của triều đình nhà Nguyễn. Theo các cụ trong Ban Quản lý đình thần Rạch Miểu chiếu sắc phong do vua Tự Đức ban hành năm 1865. Nội dung ghi: “Thôn An Thạnh Nhất – Bang Long Phủ, Hạt Ba Xuyên”. Tương truyền sắc thần có lúc bị mất trộm, nhưng nhờ được báo mộng mới tìm lại được. Hiện nay, sắc thần đã cũ, rách, không còn xem rõ nội dung, hộp đựng sắc thần được ông Nguyễn Long Thâu giữ, sau đó giao lại cho ban quản lý đình.

Cù Lao Dung thuộc địa phận Bang Long Phủ, nằm trong trấn Vĩnh Thanh, cư dân An Thạnh 1 chủ yếu từ đất liền đến lập nghiệp, trong sự nghiệp chiến đấu với thiên nhiên và giặc ngoại xâm, những bộ phận cư dân này dần dần ổn định. Nét văn hóa nổi bật chính là tinh thần đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt trước tiên, và kế đến là kẻ thù xâm lược, cướp bóc... Về ảnh hưởng tôn giáo trong đời sống tâm linh cũng không rõ nét, đa số theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, thần hoàng. Nhân dân An Thạnh 1 vẫn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mình đó là tình yêu quê hương, đất nước, tương thân, tương ái, giữ gìn đoàn kết, thủy chung trong chiến đấu chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với giặc ngoại xâm cũng như xây dựng quê hương tươi đẹp của ngày hôm nay và mai sau.

LÊ TRÚC VINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: