• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Hòa Đông xưa và nay

12/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 12/08/2020 | 06:00

STO - Xã Hòa Đông ngày xưa chỉ là những xóm, ấp thuộc làng, rồi xã Khánh Hòa của huyện Vĩnh Châu, nay là TX. Vĩnh Châu. Đến năm 1981, xã Hòa Đông mới được thành lập từ một phần của xã Khánh Hòa. Xã Hòa Đông hiện nay là 1 trong 10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc TX. Vĩnh Châu, có diện tích tự nhiên 4.795,67ha; phía Đông và phía Nam giáp với sông Trà Niên, tiếp giáp với xã Vĩnh Hải và xã Lạc Hòa; phía Bắc giáp với sông Mỹ Thanh; phía Tây giáp với phường Khánh Hòa. Xã Hòa Đông có 10 ấp gồm: No Tom, Hòa Giang, Hòa Khởi, Cảng Buối, Xóm Mới, Trà Teo, Giầy Lăng, Nguyễn Út, Thạch Sao, Lẩm Thiết. Dân số xã Hòa Đông có trên 11.000 người, trong đó người Kinh chiếm hơn 48%, người Khmer chiếm gần 40% và người Hoa chiếm hơn 12%.

Công cuộc khai hoang vùng đất phương Nam được mở rộng dưới thời vua Tự Đức. Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương là người có công đầu, là người trực tiếp chỉ huy khẩn hoang, trong đó có vùng đất địa bàn xã Hòa Đông ngày nay. Đây là công cuộc khai khẩn vô cùng gian khổ, khó nhọc, luôn phải đương đầu với thú dữ, thiên tai và bệnh tật. Công cuộc khai hoang đang tiến hành thì thực dân Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, chính thức xâm lược Việt Nam.

Năm 1904, quận Vĩnh Lợi cắt một phần đất phía Đông, lập nên quận Vĩnh Châu, gồm 1 tổng với 5 làng gồm: Vĩnh Châu, Lạc Hòa, Khánh Hòa, Vĩnh Phước, Lai Hòa. Địa bàn xã Hòa Đông hôm nay thuộc làng Khánh Hòa.

Về đời sống, người dân cùng nhau khai hoang, lập làng, vượt qua những khắc nghiệt của tự nhiên, từng bước định canh, định cư, lao động mưu sinh, chủ yếu là làm ruộng với việc trồng lúa nước, cây màu. Cũng như các làng khác thuộc quận Vĩnh Châu, người dân đất Hòa Đông có cuộc sống rất cơ cực, nghèo khó vì phần lớn đất đai, tài nguyên nằm trong tay địa chủ và thực dân; đại bộ phận nhân dân lao động phải làm tá điền hoặc lãnh canh cho những tên điền chủ chuyên bóc lột nhân dân như: Phạm Văn Đảng, Trần Trinh Trạch, Cả Hén và tên địa chủ Tây La Mong. Bên cạnh đó, còn có những tên tiểu địa chủ (địa chủ manh), cường hào dựa vào thế lực phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột một cách tàn nhẫn đối với nhân dân lao động một nắng, hai sương bằng các hình thức tô dịch rất nặng nề. Có những tên ác bá, chúng sẵn sàng đánh đập, bắt bớ, bắn giết một cách dã man người dân nghèo vô cớ. Bọn hội tề, cai tổng vừa có chức, có quyền lại vừa có của, chúng tự do cướp bóc, hiếp đáp người dân nghèo trong cảnh tá điền bần hàn.

Xuất phát từ lòng yêu nước, yêu quê hương, người dân Khánh Hòa - Hòa Đông càng căm thù bọn địa chủ, phong kiến – thực dân; họ sẵn sàng liên kết lại, cầm lấy gậy gộc, giáo mác, chống lại kẻ thù, giành lại từng tấc đất của quê hương, giành lại của cải mà họ làm ra bị cướp, giành lại quyền tự do dân chủ. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì tình đoàn kết, gắn bó giữa 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trên địa bàn Hòa Đông càng thêm thắt chặt; họ liên kết lại, cùng một ý chí, tạo nên sức mạnh quyết tâm chống lại kẻ thù chung là bọn phong kiến, thực dân và tay sai dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa bàn xã Hòa Đông là vùng căn cứ cách mạng, nhân dân bám đất, bám làng đã thể hiện một lòng trung kiên theo Đảng đấu tranh chống xâm lược. Nhân dân đã từng chứng kiến tinh thần dũng cảm và sự hy sinh anh dũng của những cán bộ, chiến sĩ từ những ngày Đồng Khởi Trà Teo năm 1960 hay trận đánh quyết chiến với giặc tại Giầy Lăng năm 1965… đã lập nên những chiến công to lớn, góp phần vào truyền thống đấu tranh cách mạng của xã Khánh Hòa xưa và nay là xã Hòa Đông thuộc TX. Vĩnh Châu.

Kế thừa và phát huy truyền thống giữ nước, bảo vệ quê hương của cha ông, người dân Hòa Đông hôm nay lại viết tiếp trang sử vẻ vang ấy, không ngừng ra sức xây dựng, bảo vệ thành quả cách mạng, vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng Đảng bộ luôn trong sạch và vững mạnh, góp phần xứng đáng đưa TX. Vĩnh Châu ngày càng giàu đẹp.

LÊ TRÚC VINH

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: