• Huyện Kế Sách

Địa danh Kế Sách

05/03/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 05/03/2019 | 06:00

STO - Kế Sách là xứ sở sông nước miệt vườn với bốn mùa cây trái trĩu quả, với vị ngọt thanh mát làm vương vấn mỗi khi du khách đến thăm.

Kế Sách là vùng có điều kiện phát triển cây ăn trái, với vị ngon ngọt đặc trưng.

Nhiều lão niên ở vùng Phú Nổ - Kế Sách cho biết, địa danh Kế Sách có nguồn gốc từ cách gọi của người Khmer là: PhnoKhSăc (Giồng Cát), dần dần người dân địa phương nói trại ra thành Kế Sách. Vì xa xưa nơi đây có một dãy đất giồng pha cát khá cao, bắt đầu từ làng Thới An Hội chạy xuyên qua trung tâm huyện lỵ và các khu vực của các làng: Phú Tâm, Phú Tân và Bố Thảo (nay thuộc huyện Châu Thành); là một trong những điểm cư trú đầu tiên của những lưu dân đầu tiên từ nơi khác đến khai cơ, lập nghiệp. Ngày nay, tại Phú Tâm có một ấp lấy tên là Giồng Cát và một địa danh khác là Kom Pong Thom minh chứng một thời của mực nước biển xâm thực khá sâu vào đất liền.

Trước đây Kế Sách còn có tên gọi rất dân gian khác là “Cái Sách”. Kế Sách được hình thành khá sớm. Ngày 1-1-1900, tỉnh Sóc Trăng được thành lập, Kế Sách là một quận của tỉnh. Năm 1957, quận Kế Sách được nhập về tỉnh Phong Dinh, nhưng đến năm 1958, Kế Sách lại được cắt nhập về tỉnh Ba Xuyên như trước đó. Về phía chính quyền cách mạng, năm 1958 huyện Kế Sách được nhập về tỉnh Cần Thơ. Sau khi nước nhà thống nhất, huyện Kế Sách được nhập trở lại tỉnh Sóc Trăng.

Nghề làm vườn của cư dân Kế Sách được hình thành rất sớm và cũng là một trong những địa phương có sản vật từ cây ăn trái, trên tuyến cù lao và các xã nằm ven sông Ba Thắc (Sông Hậu) nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Còn hoạt động kinh tế của người Hoa vùng này lúc đầu tập trung vào nghề làm rẫy và các ngành nghề truyền thống như: chế biến thực phẩm, dược liệu, lương thực… nhưng dần dần đã chuyển sang hoạt động các loại hình dịch vụ - thương mại. Từ đó góp phần hình thành nên những trung tâm mua bán khá nhộn nhịp như: Chợ Ruộng (chợ Kế Sách), chợ Cái Côn, chợ Vũng Thơm (thuộc xã Phú Tâm ngày nay).

Do đặc điểm về địa hình, ngay từ buổi đầu khai khẩn, Kế Sách được xem như là một vùng thuần nông (do điều kiện thiên nhiên ưu đãi có nước ngọt quanh năm) nên hoạt động sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác, tạo nên sự phồn vinh, thịnh vượng cho quê hương Kế Sách hơn hẳn các nơi lân cận ngay từ thời khai khẩn, lập nghiệp cho đến bây giờ. Hiện nay, Kế Sách có 12 xã, 1 thị trấn với 331km2, được ưu đãi với dãy đất màu mỡ, mạng lưới giao thông, kênh rạch chằng chịt; có nhiều cù lao xanh, cồn bãi được phù ra Sông Hậu bồi đắp nên có lợi thế trồng cây ăn trái và phát triển du lịch sinh thái – miệt vườn.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: