• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Liêu Tú xưa và nay

11/11/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/11/2020 | 13:30

STO - Liêu Tú hiện nay là một xã nông thôn nằm ở phía Nam của huyện Trần Đề. Phía Bắc giáp xã Long Phú (huyện Long Phú) và các xã Đại Ân 2, Tài Văn (huyện Trần Đề); phía Tây giáp xã Viên Bình; phía Đông giáp thị trấn Lịch Hội Thượng và xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề); phía Nam giáp sông Mỹ Thanh.

Cũng như các vùng đất nằm ở cuối hạ lưu sông Hậu, Liêu Tú là vùng đất trẻ, được hình thành qua quá trình lấn biển nên địa hình bao gồm phần đồng bằng, xen kẽ là những vùng trũng thường bị ngập nước dài ngày trong mùa mưa và các giồng cát với cao trình phổ biến ở mức 0,5 – 1m so với mặt nước biển. Địa hình xã Liêu Tú có nhiều sông rạch, ngoài con sông lớn là sông Mỹ Thanh như tấm lá chắn ở mặt Nam của xã, Liêu Tú còn có các con sông Trà Mơn, rạch Tổng Cáng… nên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Về đường bộ, xã có Tỉnh lộ 8 (đi từ Sóc Trăng – Lịch Hội Thượng – Bãi Giá) ngang qua địa phận Liêu Tú (có từ thời Pháp thuộc) nên việc giao thương hàng hóa từ xưa đã khá phát triển. Với các lợi thế về giao thông thủy, bộ, Liêu Tú là vùng đất có sự cộng cư lâu đời của đồng bào các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa với truyền thống đoàn kết, gắn bó trong khai mở đất, xây dựng làng xã, sinh hoạt cũng như trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Trải qua các thời kỳ, tuy có một vài lần điều chỉnh về địa giới nhưng về cơ bản thì địa bàn Liêu Tú hiện nay vẫn gồm phần đất của hai làng Tá Liêu và Tú Điềm thời Pháp thuộc nhập lại. Ngược dòng thời gian xa hơn thì Tá Liêu dưới chế độ phong kiến của nhà Nguyễn (thời Thiệu Trị – Tự Đức) là một thôn của tổng Định Mỹ, còn thôn Tú Điềm thì thuộc tổng Định Khánh, cả hai đều thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Khi chiếm được Nam kỳ, thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới cũ của triều Nguyễn. Năm 1876, Pháp chia Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực lại chia nhỏ thành các “hạt tham biện” hay “tiểu khu”, nên kể từ ngày 5-1-1876, Tá Liêu và Tú Điềm được gọi là làng và thuộc hạt tham biện Sóc Trăng...

Qua một thời gian thực hiện chính sách trực trị không đạt hiệu quả nên đến năm 1900, Pháp đổi tên gọi hạt thành tỉnh cho thống nhất cả ba kỳ và gần gũi với người dân. Tiếp theo, thực dân Pháp lại thành lập các cấp trung gian giữa tỉnh và các làng do đó từ ngày 10-4-1909, cả hai làng Tá Liêu và Tú Điềm thuộc tổng Định Mỹ, quận Long Bang, tỉnh Sóc Trăng. Nhưng đến năm 1920 do có sự điều chỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành chính thuộc tỉnh Sóc Trăng nên làng Tú Điềm vẫn thuộc tổng Định Mỹ nhưng làng Tá Liêu thì lại thuộc tổng Định Phước. Đến năm 1930, việc quản trị các làng đã tương đối ổn định với Ban Hội tề có trên 10 người, đảm trách mọi mặt quản trị nên yêu cầu phải có khoản thu lớn để đảm bảo các khoản chi của làng. Từ đó, chính quyền thực dân chủ trương nhập 2 – 3 làng nhỏ lại thành một làng để có số ruộng đất canh tác nhiều, dân sinh đông, tiện lợi cho việc thu thuế. Vì vậy, ngày 6-11-1933, làng Tú Điềm được sáp nhập lại với làng Tá Liêu và chính thức có tên gọi là làng Liêu Tú (từ ngày 1-1-1934) thuộc tổng Định Phước, quận Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Đến năm 1957, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, khi tỉnh Ba Xuyên được thành lập do hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, thì Liêu Tú là 1/8 xã thuộc tổng Định Phước của quận mới Lịch Hội Thượng, tỉnh Ba Xuyên. Sau vài lần thay đổi, đến ngày 1-4-2010 huyện Trần Đề được thành lập thì xã Liêu Tú trở thành 1/11 đơn vị hành chính của huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Về dân cư, Liêu Tú có đông đồng bào Khmer sinh sống trên 5 ấp là Đại Nôn, Giồng Chát, Tổng Cáng, Bưng Triết, Bưng Buối có trên 13.500 người, trong đó người Khmer chiếm gần 74%, người Kinh chiếm trên 19% và người Hoa gần 7%. Dân cư sống tập trung ở ven sông rạch, trục lộ giao thông, riêng những hộ sống ven sông Mỹ Thanh chủ yếu làm nghề đóng đáy, chài, lưới. Đồng bào Khmer tập trung sống ở những giồng cát cao chủ yếu trồng lúa, làm rẫy và làm một số nghề thủ công phục vụ nghề nông như: đan thúng, rổ, sàng, nia… Người Hoa chủ yếu buôn bán, làm rẫy để sinh sống. Tuy mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết riêng nhưng trong trao đổi, mua bán, họ thường lấy tiếng Việt để giao tiếp, những người hành nghề mua bán nơi đây thì có thể nói là “rành rẽ” cả ba thứ tiếng “giòn như lặt rau”.

Nhớ thời kháng chiến chống Mỹ, ở Chi bộ Đảng xã Liêu Tú có câu thành ngữ quen thuộc được truyền miệng phổ biến là “cây đa Tân Trào, cây đào Liêu Tú”. Điều đó nói lên phần nào tấm lòng của người dân Liêu Tú đối với Đảng, với cách mạng. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã xuất hiện nhiều tấm gương đấu tranh, hy sinh anh dũng của nhiều cán bộ, đảng viên còn mãi tỏa sáng trong truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương Liêu Tú.

Bước vào xây dựng CNXH từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Liêu Tú đã làm hết sức mình để xây dựng, phát triển quê hương. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay xã đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, nhất là thế mạnh về nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn của Nhà nước và từ vận động nhân dân đã góp phần giải quyết được việc làm, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy các mặt kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Làng quê Liêu Tú hôm nay bừng sáng, tươi vui trong khối đại đoàn kết nghĩa tình.

LÊ TRÚC VINH

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: