• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Mỹ Phước

25/01/2019 11:03 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 25/01/2019 | 11:03

STO - Mỹ Phước là một đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Mỹ Tú ngày nay. Đây là địa danh được đặt tên theo Hán – Việt với ý nghĩa nôm na là “vùng đất bình an tốt đẹp”.

Làng Mỹ Phước được thành lập vào những năm 1880 thuộc tổng Thạnh An (tổng Thạnh An bao gồm 14 làng: Châu Hưng, Châu Thới, Đào Viên Tây, Gia Hòa, Hòa Tú, Lâm Kiết, Lịch Trà, Mỹ Phước, Mỹ Tú, Nhu Gia, Phú Giáo, Phú Lộc, Tuần Tức, Xa Mau). Với vị trí thuộc vùng sâu, đất đai hoang hóa, quanh năm trầm thủy, hầu hết hệ thống đất đai nhiễm phèn nặng nên diện tích làng Mỹ Phước thường bị hoang hóa ít được chính quyền sở tại lúc bấy giờ quan tâm khuyến khích người dân đến khai phá.

Địa danh Mỹ Phước gắn liền với Di tích lịch sử văn hóa Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Nơi đây ngoài những loài thực vật hoang dại như năn, lát, lau, lách, sậy… thì cây tràm có sức sống mạnh và phù hợp với vùng đất trũng phèn Mỹ Phước. Chính điều kiện hoang hóa đó đã góp phần tạo nên những vườn cò, sân chim rộng lớn, chiếm đến hàng chục héc-ta đất rừng.

Khoảng những năm 1910 - 1920, vùng đất Mỹ Phước bắt đầu được giới điền chủ Pháp quan tâm thực hiện kế hoạch chiếm đất đai lập đồn điền. Khi đó, có tên điền chủ người Pháp được người dân địa phương gọi là “Tây đầu đỏ” đã bao chiếm khoảng hơn 2.000ha đất và cho khoanh vùng trên một diện tích gần 1.000ha lập nên khu rừng chuyên trồng cây tràm. Được sự hà hơi tiếp sức của chính quyền sở tại, tên “Tây đầu đỏ” đã bắt người dân bản địa làm lao dịch bao đắp hàng nghìn mét kênh mương dẫn nước thoát phèn trong vườn tràm và các tuyến kênh nội đồng. Khi vườn tràm ngày càng phát triển, màu xanh của cây tràm đã phủ kín một vùng đất rộng lớn, người dân gọi đó là rừng tràm.

Tại Mỹ Phước ngoài cây tràm là nguồn thu nhập chính, các sản vật từ thiên nhiên cũng là nguồn lợi không nhỏ đối với đồn điền như: mật ong, sáp ong, lông chim, cá, tôm, rùa, rắn… Với ý định khai thác lâu dài, tên "Tây đầu đỏ" đã xây dựng cơ ngơi khá vững chắc, gồm nhà lầu cho gia đình chủ điền, dãy nhà ở cho đám tôi tớ thân cận, hàng chục khu nhà kho chứa công cụ lao động, dãy nhà vựa chứa lúa cùng với các sản vật khác, dãy chuồng trại gia súc, gia cầm…

Đến năm 1940, đứng trước khí thế sục sôi của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, gia đình tên "Tây đầu đỏ" cùng đám thuộc hạ thân tín nhanh chóng tẩu tán tài sản, chở hàng chục ngàn tấn lúa về Cần Thơ, Sài Gòn. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, tại dãy nhà kho còn hơn chục tấn lúa do chúng không kịp chở đi. Số lúa này đã được lực lượng khởi nghĩa tại địa phương tịch thu và phân phát cho người dân Mỹ Phước và các làng lân cận.

Năm 1945, khi tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, ngôi nhà lầu của tên "Tây đầu đỏ" được chính quyền cách mạng làng Mỹ Phước trưng dụng làm trụ sở hành chính xã. Sau đó, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, ngôi nhà lầu được nhân dân trong làng phá sập - đánh dấu một cột mốc chấm dứt vĩnh viễn chế độ bóc lột tàn độc của chủ nghĩa thực dân xâm lược. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với địa thế sầm uất rộng lớn, hiểm trở nên khu rừng tràm Mỹ Phước là căn cứ địa cách mạng, được công nhận là khu di tích lịch sử cách mạng của quốc gia.

Về xã Mỹ Phước hôm nay, ai cũng có thể cảm nhận đúng với cái tên khởi thủy là “vùng đất bình an và tốt đẹp”. Nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái và lịch sử không thể nào quên.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: