• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Phú Hữu xưa và nay

11/01/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 11/01/2020 | 06:00

STO - Phú Hữu hiểu nôm na là vùng đất “giàu có”. Phú Hữu là một xã vùng sâu của huyện Long Phú, có 4 ấp: Phú Hữu, Phú Đa, Phú Thứ và Phú Trường. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 1.377,42ha, cách trung tâm huyện 9km, có kênh Saintard dài 6.200m chảy ngang qua, là kênh nối dài Sóc Trăng – Bạc Liêu và thông ra sông Hậu. Dân số toàn xã có trên 6.300 người, đa số dân tộc Kinh.

Ngược dòng lịch sử, Phú Hữu là vùng đất được hình thành nên một quá trình lâu dài và trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi của lịch sử. Dưới triều vua Minh Mạng thứ 20, Phú Hữu thuộc tổng Định Khánh, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Trải qua các triều đại vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, Phú Hữu nằm trong tổng Định Hòa, huyện Vĩnh Định. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và chiếm luôn Nam Kỳ lục tỉnh thì Phú Hữu vẫn thuộc tổng Định Hòa nhưng thuộc hạt thanh tra Ba Xuyên, rồi Sóc Trăng. Từ ngày 5-1-1876, Phú Hữu được gọi là “làng” thuộc hạt tham biện Sóc Trăng, kể từ ngày 1-1-1900 thuộc tỉnh Sóc Trăng. Năm 1920, làng Phú Hữu nằm trong quận Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Đến năm 1952, được sự đồng ý của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Nguyễn Tứ Xuyên – Phó Bí thư Huyện ủy và đồng chí Lý Soi – Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Long Phú đã triển khai quyết định nhập hai xã Long Đức và Phú Hữu thành xã mới có tên gọi là Phú Đức, mục đích của việc sáp nhập hai xã nói trên nhằm giảm bớt đầu mối chỉ đạo. Mặt khác, lực lượng cán bộ của ta lúc bấy giờ còn quá mỏng, nếu để riêng hai xã sẽ không đủ cán bộ để quán xuyến công việc. Nhưng sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết, xã Phú Đức lại tách ra làm hai xã lấy lại tên như cũ: Long Đức và Phú Hữu cho đến ngày hôm nay.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân Phú Hữu đổ không biết bao nhiêu xương máu để giành lại độc lập, tự do cho ngày hôm nay. Được biết toàn xã có 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 114 liệt sĩ, rất nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Đảng bộ, quân và dân xã Phú Hữu rất vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Phú Hữu hôm nay đã thay da, đổi thịt với một diện mạo mới, nhưng thấm đượm “chất anh hùng thời máu lửa”. Đi trên con đường Tỉnh lộ 935B, đường Huyện lộ 23 được xem là đoạn đường mẫu “sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”. Nhìn trên những cánh đồng của xã là cả màu xanh của sức sống mới, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, hiện tại xã chỉ còn 4,08% hộ nghèo. Đảng bộ cùng nhân dân Phú Hữu ra sức xây dựng nông thôn mới, năm 2019 đã đạt 16/19 tiêu chí. Bộ mặt làng quê đang đẹp lên. Văn hóa, văn nghệ càng được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Cuộc sống yên vui, thanh bình. An ninh trật tự ổn định. Được biết, Đảng bộ, nhân dân xã Phú Hữu đang ra sức quyết tâm thực hiện nâng chất các tiêu chí đã đạt, đồng thời hoàn thành 3 tiêu chí còn lại để năm 2020 được công nhận xã nông thôn mới.

Về làng quê Phú Hữu, ta cảm nhận niềm vui tươi dào dạt tình làng, nghĩa xóm. Cảm nhận sức sống mới xua đi những nghèo đói. Người dân Phú Hữu hôm nay cuộc sống đổi thay hơn, chứng minh cho địa danh Phú Hữu luôn “giàu có” như tên gọi của chính mình.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: