• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Phú Mỹ xưa và nay

26/01/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 26/01/2021 | 06:00

STO - Phú Mỹ là một xã của huyện Mỹ Tú hiện nay, gồm có 7 ấp: Bưng Cóc, Đai Úi, Bắc Dần, Béc Tôn, Tá Biên, Sóc Xoài và Phú Tức. Dân số gồm 14.500 người, trong đó đồng bào Khmer trên 92%, người Hoa chiếm gần 2% và người Kinh chiếm 6%.

Vào đầu thế kỷ XX, làng Phú Mỹ có tên là Phong Lập, rồi Thị Phùng được thành lập và chính thức được vào bản đồ địa giới hành chính của tỉnh Sóc Trăng. Nhưng do mật độ dân cư quá thưa thớt nên làng Phú Mỹ chia làm hai, một phần nhập vào làng Bố Thảo và một phần nhập vào làng Bưng Cóc. Đến năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, làng Phú Mỹ được tái lập dựa theo ranh giới cũ cho đến nay.

Xã Phú Mỹ có vị trí địa lý khá đặc biệt so với các địa phương lân cận. Phú Mỹ là xã vùng ven có nhiều kênh rạch án ngữ chung quanh địa bàn của xã, như kênh Bố Thảo, Nhu Gia... lại có vị trí cận kề với Quốc lộ 1 và giáp với trung tâm thương mại Bố Thảo xưa nên làng Phú Mỹ được tiến hành khẩn hoang khá sớm. Là vùng đất có hơn phân nửa diện tích là gò cát chạy dài từ Bố Thảo đến giáp Đại Tâm (giồng xoài Ca Nả), diện tích còn lại là vùng trũng thấp (Rạch Rê và một phần Béc Tôn). Do đó, làng Phú Mỹ hội tụ nhiều thuận lợi cho việc phát triển trồng lúa nước, làm rẫy và trồng cây ăn trái. Đối với phần trũng thấp, vào mùa nước nổi, hơn phân nửa diện tích đất ruộng của Phú Mỹ bị chìm trong biển nước, chỉ còn lại là những cụm lau, sậy và nhiều loài thực vật thủy sinh hoang dại khác chen nhau sinh sôi, nảy nở dày đặc. Hầu hết vùng trũng thấp đều hoang hóa, do đất rộng, người thưa chưa ai khai phá. Các loài động vật sống trong tự nhiên nhiều vô kể như tôm, cua, cá, chim, cò...

Mãi nửa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX từng đợt dân cư từ nơi khác đến định cư nơi đây để sinh cơ lập nghiệp. Họ đến đây tìm đến vùng đất gò cát, cao ráo để che lều, cất chòi tạm bợ, bắt đầu cho cuộc khai phá gian khổ, xây dựng cuộc sống mới. Từ vùng đất hoang vu dần dần được chinh phục, cải tạo thành đất canh tác màu mỡ do những con người cần cù, lam lũ, chịu khó, chân chất, thật thà nhưng lại hàm chứa sức sáng tạo phi thường và tinh thần đoàn kết, gắn bó chống chọi với mọi khắc nghiệt của tự nhiên với quyết tâm biến vùng đất hoang hóa này thành xóm làng trù phú, giàu có như tên gọi của nó.

Đặc điệm nổi bật, hiếm có của Phú Mỹ là một xã có tới 5 chùa Khmer, đó là chùa Bâng Cóc, chùa BângKhdon, chùa Pres Dinh Tôn, chùa Đay Tà Súas, chùa Pô Pus. Những ngôi chùa Khmer là sự kết tinh từ nghệ thuật truyền thống và tính sáng tạo của đồng bào Khmer với nét văn hóa đặc sắc đầy ấn tượng, là một chỉnh thể nghệ thuật được kết hợp một cách hài hòa các yếu tố kiến trúc, hội họa, hoa văn trang trí... Đây chính là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng văn hóa sâu sắc của đồng bào Khmer. Trải qua tiến trình lịch sử ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm linh của người Khmer Nam bộ. Chùa chính là nơi diễn ra các lễ hội lớn trong năm như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Đôn Ta, Lễ hội Oóc om bóc... là nơi tập trung bà con Khmer đến học chữ Pali, học giáo lý, học nghề.

Phú Mỹ hôm nay đã bừng sáng trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với những gam màu tươi sáng, cuộc sống sung túc, đoàn kết, cùng nhau vượt qua đói, nghèo vươn lên làm giàu như chính địa danh Phú Mỹ. 

LÊ TRÚC VINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: