• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Vĩnh Hải xưa và nay

25/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 25/08/2020 | 06:00

STO - Vĩnh Hải là địa danh của vùng đất ven biển có chiều dài 14km, cách trung tâm TX. Vĩnh Châu khoảng 15km về hướng Đông. Vĩnh Hải hiện là tên của một xã được tách ra từ xã Lạc Hòa, theo Quyết định số 70-HĐBT, ngày 15-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng, nước CHXHCN Việt Nam.

Vĩnh Hải là 1 trong 10 đơn vị hành chính xã, phường của TX. Vĩnh Châu; phía Đông và Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp xã Lạc Hòa, phía Bắc giáp xã Hòa Đông và một phần giáp sông Mỹ Thanh. Đất đai của xã Vĩnh Hải chủ yếu là những giồng cát do biển bồi đắp gắn liền với cây hành tím – đặc sản của vùng đất Vĩnh Châu và nuôi trồng thủy sản ven biển. Xã Vĩnh Hải gồm 8 ấp: Trà Sết, Âu Thọ A, Âu Thọ B, Giồng Nổi, Huỳnh Kỳ, Mỹ Thanh, Vĩnh Thạnh A, Vĩnh Thạnh B, với tổng diện tích tự nhiên là 7.844,84ha. Mỗi địa danh nơi đây đều ghi dấu chiến công của những người dân yêu nước, những chiến sĩ kiên cường, ngời sáng tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa.

Vùng đất Vĩnh Hải từ xưa đến nay là nơi cư ngụ của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, sinh sống bằng nghề ruộng rẫy và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Trong thời kỳ Pháp thuộc, cũng như trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân trong xã, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer cuộc sống vô cùng cơ cực, vì đại bộ phận đất đai, tài nguyên bị địa chủ và thực dân cướp giựt làm sở hữu. Lúc bấy giờ, cùng với làng Lạc Hòa, địa bàn Vĩnh Hải có chung những tên địa chủ gian ác như: Quản Tỵ, Trưởng Tổng, Bộ Cao, Trưởng đồn Lến (Trần Kim Lến). Ngoài ra, còn nhiều tên tiểu địa chủ, cường hào dựa vào thế lực phong kiến, bóc lột nông dân bằng tô thuế, bằng những quy định của chúng tự đặt ra đè nặng lên đời sống nhân dân đã cơ cực càng thêm cơ cực.

Trong suốt quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tuyệt đại đa số nhân dân Vĩnh Hải đều bị bóc lột, bị kìm kẹp, mất quyền tự do, dân chủ, lại không có quyền tự do sản xuất và làm ăn. Chính những điều kiện, hoàn cảnh khốn khó đó đã tạo ra cho nhân dân các dân tộc anh em ý thức được sức mạnh đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống, cùng nhau liên kết lại chống kẻ thù chung, nhất là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng như làng Lạc Hòa nói chung, địa bàn Vĩnh Hải nói riêng là nơi có phong trào cách mạng sớm, nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Vĩnh Châu; là nơi đón những nhà lãnh đạo cách mạng như: Bác Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phạm Trọng Tuệ… từ nhà tù Côn Đảo trở về cập bến cửa sông Mỹ Thanh năm 1945; từng là nơi tiếp nhận vũ khí vận chuyển từ Bắc vào Nam trên những “con tàu không số” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như địa danh: Cồn Đầm, Cồn Nóc của ấp Mỹ Thanh ngày nay.

Trải qua nhiều hình thức độc hiểm của chiến tranh mà đế quốc Mỹ áp dụng ở miền Nam Việt Nam, thì Vĩnh Hải luôn là địa bàn bị kìm kẹp của kẻ thù xâm lược. Không những thế, Vĩnh Hải còn là địa bàn quân sự có vị trí bờ biển quan trọng của ta và là địa bàn giành dân của địch. Mảnh đất này đã sản sinh, nuôi giấu những chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, những người con anh dũng chiến đấu vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, như các đồng chí: Trần Mậu Thạnh, Ngô Hòa Hện, Trần Kim Phẹn, Trần Văn Tét… và còn có những chiến sĩ cách mạng “một tấc không đi, một ly không rời”, kiên quyết bám trụ chiến đấu. Tất cả những đảng viên, những người con của Chi bộ làng Lạc Hòa – Vĩnh Hải đã góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng quê hương của Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Châu, đóng góp vào trang sử oai hùng, bất khuất của dân tộc.

Vĩnh Hải hôm nay lại viết tiếp những trang sử vẻ vang của Đảng bộ Vĩnh Châu anh hùng. Truyền thống đó tiếp tục được phát huy và đi vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn – xây dựng nông thôn mới, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Hải ngày càng giàu đẹp.

LÊ TRÚC VINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: