• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Xẻo Me xưa và nay

23/11/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 23/11/2019 | 06:00

STO - Xẻo Me, theo các cụ cao niên “đi mở cõi”, trên vùng đất này xưa kia những dòng cát được hình thành rất sớm, do lưu lượng sóng biển bồi đắp nên các loại cây ăn trái như: nhãn, mãng cầu ta, lồng mứt và nhiều loại cây hoang dại khác như cây nhàu, cây me, cây sậy, cây còng, ô rô, cóc kèn… sớm thích nghi và phát triển rộng khắp cả vùng. Trong đó, cây me (có vị chua cả lá và trái) là một trong những cây điển hình vùng đất này.

Ngày xưa, chỉ tính đoạn đường từ trung tâm TX. Vĩnh Châu (Phường 1) đến TP. Bạc Liêu, hai bên đường có rất nhiều cây me cổ thụ, nhưng tập trung nhiều tại khu vực phường Vĩnh Phước ngày nay và từ đó hình thành tên gọi Xẻo Me. Và chính nơi đây, ngược dòng lịch sử, trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta trong giai đoạn giằng co quyết liệt, giữa năm 1950 và đầu năm 1951, Quân khu 9 và các tỉnh trong khu vực như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã mở liên tục hai chiến dịch Sóc Trăng I (còn gọi là chiến dịch Tofaco) và Sóc Trăng II mà chiến trường chủ yếu là các huyện Thạnh Trị, Châu Thành (Mỹ Tú) và Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Chiến dịch Sóc Trăng II có hai mặt trận chính, trong đó có trận đánh Xẻo Me.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1961 trở đi, một phần xã Vĩnh Phước (nay là phường Vĩnh Phước) là một trong những vùng giải phóng lớn nhất của huyện Vĩnh Châu (nay là TX. Vĩnh Châu) và của tỉnh Sóc Trăng, gồm ba dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa đoàn kết chặt chẽ trong đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận giải phóng xã, ấp. Trong suốt những năm kháng chiến vô cùng gian khổ, ác liệt, nhưng nhân dân Vĩnh Phước không sợ hy sinh, một lòng, một dạ theo Đảng đã góp phần cùng Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Châu cũng như của tỉnh Sóc Trăng tiến lên giành lấy thắng lợi hoàn toàn. Năm 2006, được Đảng và Nhà nước phong tặng cho Đảng bộ, quân và dân xã Vĩnh Phước danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Di tích chiến thắng Xẻo Me tại xã Vĩnh Phước (nay là phường Vĩnh Phước) được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cách mạng theo Quyết định số 325/QĐHC-CTUBT ký ngày 15-3-2006.

Vĩnh Phước hôm nay là vùng ven biển có diện tích tự nhiên 5.103ha, trong đó có trên 4.539ha đất sản xuất với thế mạnh là nuôi thủy sản (tôm sú và tôm thẻ), trồng màu và cây ăn trái. Đặc biệt Vĩnh Phước đã mạnh dạn quy hoạch lại vùng trồng nhãn xuồng (chủ yếu ở 3 khóm: Biển Trên A, Biển Trên, Biển Dưới), là cây trồng chủ lực của địa phương gắn với phát triển du lịch sinh thái ven biển. Từ khi chuyển sang trồng cây nhãn xuồng, đời sống kinh tế của nhân dân phường Vĩnh Phước phát triển ổn định, hạn chế người dân đi làm ăn xa quê, đặc biệt không phụ thuộc vào con tôm và cây hành tím như trước đây.

Cây nhãn xuồng người dân nơi đây gọi là “cây sinh lợi bền vững” và là “cây du lịch sinh thái” đem lại đời sống dân sinh bền vững. Phát huy đúng tiềm năng và ưu thế của cây nhãn xuồng, kinh tế địa phương sẽ đa dạng hơn, sung túc hơn và phát triển bền vững hơn.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: