• Văn hóa - Thể thao

Hậu Bối xưa - Đại Hải nay

28/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 28/04/2019 | 06:00

STO - Hậu Bối dịch theo nghĩa Hán – Việt là “phía sau rừng lá”, vì vùng này có vô số là cây dừa nước to, cao đến 3m – 4m, có chim về trú ngụ rất nhiều.

Xét về vị trí, địa hình và theo lời thuật lại của các cụ cao niên sinh sống trên vùng đất này cho biết: Hơn trăm năm trước, vùng Hậu Bối có ít người sinh sống. Bởi nơi đây vốn còn là khu vực rất trũng thấp, hầu hết diện tích đất nơi đây là lung bàu, nên gần như toàn bộ khu vực này cho đến những năm 1920 – 1930 vẫn còn hoang hóa. Những cư dân đầu tiên cư ngụ trên mảnh đất này vào khoảng năm 1910, khi con kênh Hậu Bối được tên điền chủ Labasthe cho nạo vét rộng thêm nhằm phục vụ ý đồ khai hoang phục hóa vùng đất màu mỡ này.

Vùng đất trũng thấp là điều kiện rất thuận lợi cho các loài động, thực vật phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Trong thời kỳ đầu phát sinh thì cây dừa nước (từ Hán Việt gọi là dà diệp) chiếm gần như toàn bộ diện tích nơi đây, chúng phát triển len lỏi cặp theo hai bên bờ rạch nhỏ, dần dần chúng nới rộng ra và bao phủ gần như toàn khu vực rộng lớn của vùng đất Hậu Bối, Trà Canh, Trà Quýt, Giồng Cát, Lung Đen ngày nay. Chính vì thế, địa danh Hậu Bối được người đương thời đặt ra nhằm ghi dấu ấn một thời kỳ còn rất hoang sơ của vùng đất này. Tuy hệ thống kênh rạch đã được khai thông dòng chảy nối liền với kênh Bocquilon (kênh số 1 Kế Sách ngày nay), nhưng vùng đất này trong thời kỳ hưng thịnh nhất của đồn điền Labasthe nó vẫn là vùng khó khai thác vì vẫn còn nằm trong tình trạng đất trầm thủy quanh năm.

Tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Đại Hải được đầu tư xây dựng khang trang.

Vào những năm 1945 – 1954, mặc dù nhiều con kênh mới đào bao bọc như kênh Mang Cá, rạch Mỏ Neo, kênh Ba Trinh… nhưng cứ đến mùa nước nổi thì toàn bộ vùng đất này vẫn bị ngập chìm trong biển nước mênh mông. Có lẽ, chính vì thế vào tháng 8-1958, địa danh Đại Hải (biển nước) ra đời và tồn tại cho đến tận hôm nay. Sau nhiều thế hệ cật lực trong cuộc khai hoang, phục hóa, Hậu Bối không còn là vùng đất bị bao bọc xung quanh đám rừng dừa nước ngày xưa.

Hậu Bối hôm nay là một trong những vùng đất phát triển mạnh về cây lúa đặc sản, thơm ngon, chất lượng cao, vùng lúa hữu cơ xuất khẩu của xã Đại Hải nói riêng và của huyện Kế Sách nói chung. Đời sống người dân sung túc, nghèo đói đã lùi xa, Đảng bộ - quân - dân đoàn kết một lòng chung tay xây dựng nông thôn mới trên làng quê Hậu Bối – Đại Hải yên vui.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: