• Văn hóa - Thể thao

Làng Hòa Tú xưa và nay

04/09/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 04/09/2020 | 06:00

STO - Theo nghĩa của từ Hán Việt: “Hòa” là lúa còn cả vỏ, “Tú” là tốt. “Hòa Tú” có nghĩa là lúa tốt, nói lên vùng đất phì nhiêu thích hợp cho trồng lúa, cuộc sống sung túc, yên lành.

Hòa Tú xưa thuộc tổng nhiêu của quận Châu Thành (quận lỵ Mỹ Xuyên), có diện tích tự nhiên rộng lớn tới 124km2, bao gồm 4 làng: Hòa Tú, Hòa Phú, Ngọc Tố, Ngọc Đông; với 22 xóm, ấp. Dân số thưa thớt khoảng 7 – 8 ngàn người; 95% nông dân, còn lại là địa chủ và các thành phần khác. Thành phần dân cư chủ yếu là người Kinh, cộng đồng cư dân đầu tiên đến làng “Hòa Tú” sinh sống và lập nghiệp đa số từ Đồng Nai, Gia Định, Tân An, Long Hồ Dinh (Cửu Long) do cuộc nội chiến dai dẳng giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh từ cuối thế kỷ thứ XVIII, cùng với các cuộc di dân thời Minh Mạng, Tự Đức (1800 – 1848).

Nói tới làng “Hòa Tú” thời nay ai cũng hiểu bao gồm Hòa Tú 1 và Hòa Tú 2 được tách ra vào năm 1989 theo Quyết định số 128 của Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam. Làng “Hòa Tú” hôm nay nằm ở phía Nam huyện Mỹ Xuyên. Diện tích tự nhiên khoảng 67km2, dân số gần 20 ngàn người, trong đó người Kinh chiếm 98,6%, người Khmer chiếm 1,35% và người Hoa chiếm 0,05%. Địa hình làng Hòa Tú có nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nổi bật là có 2 con sông lớn từ cửa biển Mỹ Thanh đến Cổ Cò rồi chia làm 2 nhánh, nhánh về Bạc Liêu, nhánh về Dù Tho, nối nhau với các con sông nhỏ, đáp ứng nhu cầu giao thông, tưới, tiêu trong phát triển sản xuất nông nghiệp của người dân làng Hòa Tú từ xưa đến nay và mai sau.

Người nông dân là chủ nhân đầu tiên của vùng đất Hòa Tú, tâm tư tình cảm của họ gắn bó với quê hương, làng xóm, với con sông, kênh rạch, với thửa ruộng, mái đình… Vì chính nơi đó là thành quả lao động từ hai bàn tay của họ tạo lập ra. Lòng yêu quê hương đất nước của người dân làng Hòa Tú cũng bắt nguồn từ môi trường mới, vùng đất mới vừa lắm phong phú của môi sinh, vừa lắm khắc nghiệt của thiên nhiên tác động.

Năm 1867, Pháp tấn công 3 tỉnh miền Tây, phong trào chống Pháp ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Rạch Giá với biết bao chiến công vang dội. Nhân dân Hòa Tú cũng tham gia nghĩa quân đứng lên chống Pháp, nhưng đều bị thất bại. Trước sự thất bại đó, nhân dân Hòa Tú đã rước sắc thần vị chủ soái và lập đền thờ tại ấp Rạch Gò (nay là Đình Hòa Tú – di tích lịch sử cấp quốc gia) để con cháu noi gương tiên liệt. Và người dân Hòa Tú đã sớm giác ngộ và tham gia các phong trào cách mạng, trong đó có những người con quê hương ưu tú như: Nguyễn Tấn Đạt, Văn Ngọc Chính, Trần Văn Tấn, Lương Đơn Quế, Hà Thành Nguyên, Võ Thị Hoa, Võ Văn Tần (Giáo Tần)… tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng và vào lòng nhân dân Hòa Tú thân thương.

Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ của nhân dân Hòa Tú vào tháng 11-1940 tuy chỉ giành thắng lợi trong thời gian ngắn song ý nghĩa của nó thật là to lớn. Đó là, cuộc khởi nghĩa đã huy động được sức mạnh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, thể hiện được truyền thống đoàn kết chặt chẽ, ý thức tự lực, tự cường nổi dậy khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa đã gieo vào lòng người dân một niềm tin vào khả năng và sức mạnh lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, vào tương lai, tiền đồ của cách mạng.

Trên chặng đường 30 năm liên tục chống giặc ngoại xâm (9 năm chống Pháp, 21 năm chống Mỹ), chi bộ Đảng lãnh đạo nhân dân Hòa Tú vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh với biết bao tấm gương “trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Chính các anh hùng liệt sĩ và toàn thể chiến sĩ, đồng bào Hòa Tú đã góp phần tô đậm thêm mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc và viết nên bản anh hùng ca về truyền thống cách mạng của quê hương Hòa Tú anh hùng.

Hòa Tú hôm nay lại viết tiếp trang sử mới tươi đẹp về xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Rồi đây Hòa Tú sẽ “cất cánh” lên đô thị không xa khi trung tâm kinh tế, chính trị của huyện Mỹ Xuyên dời về hoạt động. Đó là cơ hội cho nhân dân Hòa Tú phát triển giàu mạnh.

LÊ TRÚC VINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: