• Văn hóa - Thể thao

Lịch Hội Thượng xưa và Trần Đề hôm nay

19/09/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 19/09/2020 | 06:00

STO - Trước thế kỷ XVII, vùng đất Lịch Hội Thượng còn hoang dã, có nhiều loại cây rừng như: sú, đước, bần, mắm, chà là, cây dà (rừng chà là, rừng dá…) dọc theo tuyến biển, sông Trần Đề, sông Mỹ Thanh… đồng thời có nhiều loài thú như khỉ, trâu, hươu, nai… Ở vùng đầm lầy tại Hội Bình (Bãi Giá) còn có loài cọp, ở sông Mỹ Thanh có nhiều cá sấu. Đất đai nơi đây hầu như ngập nước quanh năm, chỉ trừ một số giồng cát cao.

Những thập niên cuối thế kỷ XVII, số lưu dân người Việt theo đường biển, lần lượt kéo đến khai phá vùng đất đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1695, Mạc Cửu - một di thần của nhà Minh (Trung Quốc) bất mãn triều đình Mãn Thanh (phương Bắc) đến vùng Mang Khảm (Hà Tiên) chiêu lập cư dân khai khẩn đất hoang, làm ăn sinh sống. Sau một thời gian các thương thuyền đến Hà Tiên mua bán tấp nập, hải cảng trở nên phồn thịnh. Năm 1714, chúa Nguyễn Phúc Chu thành lập trấn Hà Tiên và phong Mạc Cửu làm Tổng binh. Năm 1735, Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tứ (Mạc Thiên Tích) là con trai (cả) của Mạc Cửu tiếp tục sự nghiệp của cha, củng cố vùng Rạch Giá, Cà Mau, rồi từ Rạch Giá tiến qua phía Đông. Đến năm 1737 lập Trấn Di, nằm ở hữu ngạn sông Ba Thắc (bao gồm vùng đất Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay). Như vậy, năm 1737 vùng đất Lịch Hội Thượng thuộc Trấn Di. Đến năm 1802, vua Gia Long chia Gia Định thành ngũ trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Tường, Hà Tiên, Vĩnh Thanh. Vùng đất Lịch Hội Thượng lúc này thuộc làng Đại Hữu, huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, vua Minh Mạng chia Gia Định thành 6 tỉnh, 3 tỉnh miền Đông là: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường; 3 tỉnh miền Tây là: An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long. Vùng đất Lịch Hội Thượng thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Sau khi Pháp xâm lược nước ta, chúng vẫn giữ nguyên 6 tỉnh như thời Nguyễn nhưng lần lượt xóa bỏ các phủ, huyện, lập những khu hành chính mới, gọi là khu thanh tra, đặt dưới quyền cai quản các quan chức người Pháp. Vùng đất Lịch Hội Thượng lúc này thuộc Khu thanh tra Sóc Trăng, bao gồm các làng: Hội Bình, Lịch Hội Thượng, Lịch Hội Trung, Tà Liêu, Quảng Ân (thuộc tổng Định Mỹ); An Ca, An Nô, Hưng Thạnh, Hưng Thới, Tài Công (thuộc tổng Định Chí). Đến năm 1899, vùng đất Lịch Hội Thượng thuộc quận Bang Long (đến năm 1926, quận Bang Long đổi tên thành quận Long Phú). Quá trình biến đổi của lịch sử, địa lý hành chính của Lịch Hội Thượng cũng có sự thay đổi theo sự cai trị của giặc Pháp và Mỹ ngụy Sài Gòn. Riêng về phía chính quyền cách mạng, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phần lớn vùng đất Lịch Hội Thượng thuộc quận Long Phú chỉ có xã Thạnh Thới An thuộc quận Thạnh Trị. Đầu năm 1961, xã Thạnh Thới An giao lại cho huyện Mỹ Xuyên (khi huyện Mỹ Xuyên được thành lập). Đến giữa năm 1961, hai xã Tài Văn và Viên An cũng giao về cho huyện Mỹ Xuyên nhưng đến năm 1965, hai xã Tài Văn và Viên An giao lại cho huyện Long Phú.

Do yêu cầu của tình hình mới và để thuận tiện trong chỉ đạo phong trào cách mạng, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 25-8-1966, huyện Lịch Hội Thượng được thành lập, gồm các xã: Lịch Hội Thượng, Trung Bình, Liêu Tú, Tài Văn, Viên An, Tân Thạnh (của huyện Long Phú) và xã Thạnh Thới An (của huyện Mỹ Xuyên).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Lịch Hội Thượng vẫn thuộc tỉnh Sóc Trăng. Năm 1976, huyện Lịch Hội Thượng được sáp nhập vào huyện Long Phú với các xã: Trung Bình, Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Tân Thạnh; sáp nhập vào huyện Mỹ Xuyên các xã: Tài Văn, Viên An, Thạnh Thới An. Đến năm 1983, xã Thạnh Thới An được chia thành hai xã: Thạnh Thới An và Thạnh Thới Thuận; xã Viên An cũng được chia thành hai xã: Viên An và Viên Bình.

Ngày 23-12-2009, Chính phủ ra Nghị định số 64/NQ-CP, quyết định thành lập huyện Trần Đề, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Phú và huyện Mỹ Xuyên. Cũng theo Nghị định này, thị trấn Trần Đề (tách từ xã Trung Bình và xã Đại Ân 2) và thị trấn Lịch Hội Thượng (tách từ xã Lịch Hội Thượng) được thành lập. Huyện Trần Đề chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1-4-2010 gồm 11 đơn vị hành chính trực thuộc đó là: Lịch Hội Thượng, Trung Bình, Đại Ân 2, Liêu Tú, thị trấn Trần Đề và thị trấn Lịch Hội Thượng (tách ra từ huyện Long Phú); Thạnh Thới Thuận, Thạnh Thới An, Tài Văn, Viên An, Viên Bình (tách ra từ huyện Mỹ Xuyên). Như vậy phần lớn địa giới hành chính huyện Trần Đề hôm nay cũng thuộc địa phận Lịch Hội Thượng xưa.

Trần Đề hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới với gam màu tươi sáng từ “Cánh đồng năn” ngày nào được mệnh danh là vùng “đất chết” chỉ có cỏ, năn mới sống nổi, nay là cánh đồng tôm chuyên canh mệnh danh là vùng “đất vàng”. Người nông dân Trần Đề là chủ nhân vốn năng nổ, nhạy bén, sáng tạo trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, hình thành nên những vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình “cánh đồng mẫu”; “cánh đồng tập trung một giống”, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Mô hình chăn nuôi bò sữa ngày càng phát triển, góp phần giảm hộ nghèo hiệu quả bền vững trong nông dân, làm thủy lợi kết hợp với giao thông nông thôn tạo nên hệ thống giao thông thuận tiện xã liền xã, ấp liền ấp; điện khí hóa tỏa sáng cả nông thôn… Với 12km bờ biển và 120km2 đất tự nhiên vùng biển và ven biển, Trần Đề tập trung phát triển ngành nghề nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Hiện huyện có hơn 620 tàu khai thác biển với tổng sản lượng khai thác, đánh bắt hàng năm chiếm gần 92% sản lượng khai thác đánh bắt thủy, hải sản toàn tỉnh.

Trần Đề đã và đang phát triển Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó và Khu Công nghiệp Trần Đề thuộc ấp Ngan Rô 1, xã Đại Ân 2 với diện tích 160ha. Ngoài ra, Trần Đề còn có khu thương mại kinh tế biển đang phục vụ tốt cho sự phát triển chung nền kinh tế huyện nhà… Nguyên nhân dẫn đến thắng lợi là Đảng bộ và nhân dân đoàn kết một lòng tập trung khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, phục vụ ngày càng tốt hơn cho cuộc sống người dân. Trần Đề đã và đang vươn lên từ kinh tế biển, tạo nên diện mạo mới của vùng quê biển thanh bình, yên vui và no ấm. Với niềm tin và hy vọng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trần Đề sẽ không ngừng phấn đấu vươn lên trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng và sớm trở thành thị xã biển.

LÊ TRÚC VINH

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
  • Nguyễn Trường Hiệp - 06/04/2021
  • Bài viết hay quá, cung cấp rất nhiều tư liệu lịch sử về vùng đất lịch hội thượng xưa và nay!

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: