• Văn hóa - Thể thao

Những chiến công thầm lặng của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Thành Hưng (Hòa Bình Tửu)

30/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 30/04/2019 | 06:00

STO - Tháng tư lại về thầm nhắc nhở trong ta nhớ về những kỷ niệm khó quên của một thời oanh liệt, hào hùng đổi bằng máu xương để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Hôm nay, chúng ta thừa hưởng 44 mùa xuân yên bình – hạnh phúc nhưng không sao quên được sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước, trong đó luôn khắc ghi những chiến công thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ cách mạng chiến đấu trong lòng địch như anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Lâm Thành Hưng (Hòa Bình Tửu).

Thời niên thiếu, Lâm Thành Hưng sớm mồ côi cha, nên mới 7 tuổi, Lâm Thành Hưng đã lắm nỗi gian truân. Nhà ở gần chùa Chăm-pa (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành ngày nay), mỗi ngày Lâm Thành Hưng phải thức dậy sớm đội bánh đi bán cho bà con nông dân trong xóm chuẩn bị ra đồng. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn và khắc nghiệt, nên mẹ của Lâm Thành Hưng buộc lòng phải đưa đứa con yêu thương đi ở đợ cho các gia đình địa chủ như: Sáu Can, Bảy Gió trong làng. Sau 10 năm ở đợ, dành dụm được ít tiền, Lâm Thành Hưng xin chủ nghỉ việc để đi học lái xe.

Sau khóa học, Lâm Thành Hưng vào nghề với thân phận lơ xe trên tuyến đường Sóc Trăng – Cần Thơ – Sài Gòn. Cuộc đời đầy khổ cực đã tạo cho Lâm Thành Hưng trở thành con người cứng cỏi, không biết khuất phục trước thử thách, khó khăn, nên chẳng bao lâu Lâm Thành Hưng đã tạo được tên tuổi trong làng nghề… Và một buổi sáng tinh sương, đang chuẩn bị cho xe lên tài, chợt Lâm Thành Hưng nghe có tiếng la thất thanh “Ăn cướp, ăn cướp… cướp”, Lâm Thành Hưng đã nhanh chân đuổi theo tên cướp, đánh gục hắn, lấy được tài sản trong túi xách trả cho khổ chủ. Khổ chủ là người Ấn Độ, tên là Xê-ly-a, chuyên nghề kinh doanh địa ốc ở Sóc Trăng. Ông Xê-ly-a nài nỉ Lâm Thành Hưng nhận số tiền hậu tạ, nhưng Hưng một mực từ chối, mà chỉ xin vay số tiền đủ mua chiếc xe cũ để chở mối bao xe. Cảm kích trước dũng khí và lòng tự trọng của Lâm Thành Hưng, ông Xê-ly-a đã chấp nhận ngay và ông đã dẫn Lâm Thành Hưng lên Sài Gòn mua xe mới chứ không mua xe cũ như yêu cầu của Hưng.

Cuộc đời của Lâm Thành Hưng giờ đây đã sang trang, làm chính nghề tài xế xe và thu nhập cũng khá cao. Đến năm 1940, Lâm Thành Hưng nghỉ nghề xe, chuyển sang lấy rượu của công xi Hắc Công Tử Bạc Liêu về bán. Vài năm sau, Lâm Thành Hưng phát triển lên hãng rượu mùi lấy tên “Hòa Bình Tửu”. Lúc này, phong trào cách mạng ở Sóc Trăng phát triển khá mạnh và lan rộng, nhất là sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ Hòa Tú 1940 nổ ra.

Biết Lâm Thành Hưng là người có nghĩa khí, nên nhiều cán bộ từ trong chiến khu ra vận động Lâm Thành Hưng làm cơ sở cho cách mạng. Không đắn đo, suy nghĩ, Lâm Thành Hưng nhận lời ngay. Kể từ đó, hãng rượu Hòa Bình Tửu là căn cứ chở che cho nhiều cán bộ hoạt động nội thành. Hãng rượu ngày càng phát triển, “ăn nên làm ra” và từng bước nổi danh đến mức người ta không còn nhớ cái tên cúng cơm Lâm Thành Hưng mà chỉ gọi là ông Hòa Bình Tửu. Tận dụng vào danh thế, tiếng tăm, Lâm Thành Hưng được tổ chức cách mạng giao nhiệm vụ lên Sài Gòn mua máy in Renéo, khuôn tiện, thuốc Tây chữa bệnh đem về chiến khu. Những lần mua máy móc lớn, đóng thùng kín chở tới khúc sông vắng người ở Trà Quýt, theo địa điểm giao ước, Lâm Thành Hưng đổ thùng máy móc xuống sông để sau đó bí mật đưa vào trong chiến khu. Có một lần để cho một đồng chí cán bộ ngụy trang chuyển thùng vũ khí trên chuyến xe xích lô, còn Lâm Thành Hưng đạp xe theo sau để bảo vệ. Khi đến cầu Chà Và (Chợ Lớn, Sài Gòn), Lâm Thành Hưng phát hiện có một tên khả nghi là mật vụ đang theo dõi chiếc xe xích lô chở “hàng”. Đợi cho xe hắn vừa xuống dốc, Lâm Thành Hưng đạp xe chạy nhanh và bất ngờ tông vào xe hắn, cả hai ngã nhào, Lâm Thành Hưng vội đứng dậy tóm áo hắn đánh túi bụi, chửi rùm beng, tên mật vụ không kịp trở tay và phân bua lỗi không phải hắn! Lúc này, mọi người đi đường xúm lại xem, tạo nên cảnh hỗn loạn. Độ chừng chiếc xe chở vũ khí thoát ra an toàn, Lâm Thành Hưng xuống nước, giả lả xin lỗi tên mật vụ do sự nông nổi, nóng nảy vô cớ của mình. Sau đó, Lâm Thành Hưng rủ hắn đi ăn nhậu để tạ lỗi và kết thân để tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyến “hàng” sau.

Đến năm 1950, một vài cán bộ biến chất ra khai báo với giặc về cơ sở cách mạng “Hòa Bình Tửu”. Thế là đất lành nổi sóng, giặc Pháp bắt Lâm Thành Hưng vào nhà tù. Người vợ đầu ấp tay gối phải lo lót tiền bạc cho “sếp” Tây nên người chồng sớm được thả. Nhưng rồi bọn giặc thường kiếm cớ lại bắt tiếp… Chỉ không đầy 5 năm mà Lâm Thành Hưng đã trải qua khắp các nhà tù ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ.

Không chịu đựng nổi, Lâm Thành Hưng phải bán đi cơ nghiệp về Sài Gòn sang một căn nhà nhỏ ở số 48 Huỳnh Mẫn Đạt để tạm thời xa lánh sự dòm ngó, đôi mắt cú vọ, soi mói của bọn mật vụ gian ác.

Nhưng một hôm, Lâm Thành Hưng đang đi trên phố, bọn mật vụ ập tới bắt ông đem giam vào khám Catina. Cả ngày không thấy chồng về, cũng không có tin tức, gia đình đã biết có chuyện chẳng lành… 2 ngày sau, một chiếc xe jeep chạy đến đậu trước nhà, mấy tên cảnh sát xốc Lâm Thành Hưng vào nhà. Nhìn chồng tiều tụy, máu thấm đầy quần áo, người vợ lòng đau như cắt, nhưng chỉ biết ôm hai con thơ vào lòng sụt sùi. Lục soát khắp nhà không phát hiện được gì, nên chúng tiếp tục đưa Lâm Thành Hưng về bót và sau đó giải lên nhà tù Thủ Đức giam ông ngót 2 năm trời.

Sau khi ra tù, Lâm Thành Hưng nghĩ có thể lẩn tránh ở bất cứ nơi đâu, nhưng không thể lẩn tránh lòng bội phản và sự gian ác của kẻ thù dân tộc. Nên ông bàn bạc với vợ bán nhà quay trở về Sóc Trăng, nếu có phải chết cũng được chết trên mảnh đất quê hương xứ sở.

Bán nhà được một số vốn, Lâm Thành Hưng cùng vợ, hai con dìu dắt về Bố Thảo dựng một nhà máy nhỏ xay lúa mướn. Nhưng lại làm ăn không suôn sẻ. Lúc này, Hiệp định Geneve vừa được ký kết, để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới với kẻ thù, ông Lâm Thành Hưng suy tính và vội bán hết tài sản về ấp Xà Lan, cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 3km sang một khu vườn vừa sản xuất, vừa có thể làm “căn cứ” cho các cán bộ hoạt động nội thành lui tới và là nơi trú ẩn.

Bọn địch rất tinh ranh, chúng nào tin ông “Hai Hưng” (mà chúng thường gọi) lại quá dễ dàng chấp nhận “hưởng thú điền viên” khi nước nhà vẫn còn bóng quân thù xâm lược. Ban đầu bọn giặc cho mật vụ theo dõi, rình rập, sau đó, chúng cho xây dựng một cái đồn cách nhà ông “Hai Hưng” khoảng 100m với hai tiểu đội dân vệ túc trực, trang bị đủ các loại phương tiện chiến tranh như súng đại liên, trung liên, tiểu liên, súng phóng lựu và máy thông tin liên lạc trực tiếp với xã, quận để vừa uy hiếp gia đình ông “Hai Hưng” vừa làm nhiệm vụ án ngữ vòng ngoài bảo vệ nội ô TX. Sóc Trăng.

Ngay những ngày đầu về ấp Xà Lan với khu vườn khá rộng, ông Lâm Thành Hưng đã nuôi chứa một chi bộ đảng hoạt động nội thành do đồng chí Nguyễn Thị Tốt (Ba Tốt), Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị xã ủy lãnh đạo trực tiếp và bọn địch có biết đâu, trong khu vườn và trong khu nhà của ông “Hai Hưng” là một hệ thống hầm bí mật, hàng ngày đều có lực lượng cán bộ cách mạng ẩn náu và hoạt động.

Một hôm, nghe tin Lâm Hớn Thanh, một cán bộ lãnh đạo của tỉnh đầu hàng giặc và khai báo, các cơ sở bí mật của tỉnh gần như bại lộ, trong đó có cơ sở của nhà ông “Hai Hưng”, vì thế, ông “Hai Hưng” và các cơ sở khác trong nội ô thị xã như nhà ông Xã Liếm, ông Bảy Vàng, thầy giáo Tây… đều bị địch bắt. Tiếp nối với tinh thần cách mạng của chồng là vợ, bà không nao núng. Lúc này, tuy gia đình gặp khó khăn về tài chính nhưng trong nhà lúc nào cũng nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ cách mạng.

Sau khi ra tù, Lâm Thành Hưng vẫn tiếp tục con đường đã chọn. Từ sau năm 1968 – 1971, do có sự phản bội của Năm Nhân và Ba Minh, ông “Hai Hưng” lại bị vào nhà lao của giặc 2 lần nữa. Nhưng gông cùm, đòn roi, hầm tối… của kẻ thù không khuất phục được ông “Hai Hưng”, trái lại còn hun đúc thêm lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng.

Những ngày cuối tháng 4-1975, nhận được thông báo của cấp trên chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương sắp tới, lần này còn có thêm 2 con là Lâm Hồng Phước (tự là Tư Dũng) và Lâm Mỹ Ngọc tham gia vận động, chỉ đạo lực lượng nhân sĩ, trí thức, lòng ông “Hai Hưng” như mở hội. Ông nói với các cán bộ “ém” trong nhà với niềm tự tin: “Kỳ này tôi quyết sống mái với bọn giặc, không để cho chúng bắt nữa đâu!”. Sau đó, ông “Hai Hưng” mua ngay một chiếc xe jeep và 400 lít xăng để sẵn sàng đưa rước chiến sĩ giải phóng quân. Ông còn lo nhiều giấy in tài liệu, truyền đơn và cả ngàn mét vải tổ chức in ấn, may băng, cờ, khẩu hiệu tại nhà.

9 giờ đêm ngày 29-4-1975, lực lượng chỉ huy sở do đồng chí Bảy Danh lãnh đạo đã đến nhà Lâm Thành Hưng một cách an toàn, liền căng ăng-ten, máy PRC 25 bắt liên lạc với các đơn vị… Ông “Hai Hưng” đứng ngồi không yên, chờ tiếng súng lệnh để xung phong, chợt ông nghe một loạt tiếng súng nổ gần nhà, tưởng địch tấn công, ông liền vội chụp cây xà beng nói với đồng chí Bảy Danh: “Chú Bảy an tâm ở lại đây, tôi ra xem thực hư thế nào”. Thì ra đó là một cánh quân của ta vừa mới đến đã chạm súng với bọn dân vệ ở đồn, mở đầu cho mũi tấn công vào thị xã.

Sáng sớm hôm sau (30-4), đồng chí Tư Dũng lấy chiếc xe Suzuki chở đồng chí Bảy Danh ra tiếp thu Dinh tỉnh trưởng. Còn ông “Hai Hưng” thân chinh lái chiếc xe jeep vô Bố Thảo đón một số cán bộ giải phóng quân vào thị xã tiếp quản với lòng tràn ngập niềm vui chiến thắng.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: