• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Những thành tựu kinh tế nổi bật sau 25 năm tái lập tỉnh

Kỳ 1: Công nghiệp - Dấu ấn sau 25 năm tái lập tỉnh

11/04/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 11/04/2017 | 06:00

STO - Sau 25 năm tái lập, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, khẳng định vai trò là nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ một tỉnh có nền kinh tế với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, sau 25 năm tái lập tỉnh, Sóc Trăng có bước chuyển mình đáng kể trên tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, giao thông... cho đến phát triển doanh nghiệp. Song song đó, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Hiệu quả bước đầu

Với mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng vừa tăng trưởng về “lượng” lẫn “chất”, bảo đảm hiệu quả và bảo vệ môi trường, sau 25 năm tái lập tỉnh, sản xuất công nghiệp ở Sóc Trăng dần đi vào ổn định, có bước chuyển biến và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương. Nếu như năm 1992, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ đạt trên 477 tỉ đồng, thì đến cuối năm 2016 đã đạt trên 25.000 tỉ đồng.

Sóc Trăng đang hướng đến phát triển mạnh ngành công nghiệp sạch.

Đồng chí Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp của tỉnh thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, ngoài công nghiệp chế biến thủy sản giữ vai trò chủ lực, các ngành phụ trợ, như: sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí gia công, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và dịch vụ ở nông thôn bước đầu đã phát triển”.

Còn nhớ khi mới tái lập tỉnh vào năm 1992, công nghiệp Sóc Trăng hầu như không có gì ngoài một nhà máy chế biến tôm đông lạnh với công suất thấp, nhà máy xay xát gạo và một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp truyền thống, như: lò đường, cơ khí nhỏ… Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 8-9-1998 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và coi đây là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2000 - 2010 là 15,6%/năm, giai đoạn 2011 - 2016 là 7,96%/năm.

Các khu, cụm công nghiệp từng bước được hình thành, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gồm: Khu Công nghiệp An Nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng, có nhiều doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án với tỷ lệ lấp đầy trên 71% diện tích đất công nghiệp; Khu Công nghiệp Trần Đề đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn 2, với tổng diện tích trên 122ha, đang kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tỉnh đã thành lập 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 188ha, gồm: Cụm Công nghiệp Ngã Năm, Vĩnh Châu, Thạnh Phú và Ấp Nhì. Đây là tiền đề để ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh trong tương lai.

Cũng theo Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Chiêu, hiện các cơ sở sản xuất công nghiệp đã tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Song song đó, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp được tăng cường, bước đầu thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu, khảo sát và lập dự án đầu tư vào các lĩnh vực, như: nhiệt điện, điện gió, may mặc và chế biến nông sản.

… và những định hướng cho tương lai

Quan điểm phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ. Theo đó, từng bước giảm dần công nghiệp sơ chế, tăng dần các ngành công nghiệp cơ bản, ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, chất xám cao. Tập trung phát triển nhanh, hiệu quả các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt, gắn liền với xây dựng các công trình xử lý chất thải, trồng cây xanh, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp; đồng thời, phát triển đồng bộ các dịch vụ, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người lao động.

Mục tiêu cụ thể với cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng trong các ngành kinh tế chiếm tỷ trọng từ 13,97% năm 2016 tăng lên 20,57% vào năm 2020 và 29,64% vào năm 2025. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 43.000 tỉ đồng vào năm 2020 và năm 2025 đạt trên 90.000 tỉ đồng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,88%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt 16%/năm…

Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tập chung chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiêp; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi và tích cực đôn đốc triển khai thực hiện các dự án, như: Trung tâm Nhiệt điện Long Phú, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, xây dựng cầu Đại Ngãi và các dự án hạ tầng giao thông kết nối nhằm tạo điều kiện thông thương và tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Song song đó, sẽ ưu tiên thực hiện kêu gọi đầu tư; phát triển công nghiệp nông thôn gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, có thương hiệu địa phương làm tiền đề cho việc tiêu thụ hàng hóa ngoài tỉnh…

Quang cảnh họp mặt, đối thoại doanh nghiệp đầu năm 2017.

Tại buổi làm việc với ngành công thương vào những tháng cuối năm 2016, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể chỉ đạo: “Ngành công thương cần phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát lại các quy hoạch của ngành, đặc biệt là các quy hoạch có liên quan đến khu, cụm công nghiệp xem còn phù hợp với tình hình thực tế hay không, nếu không phù hợp thì kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung; phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, xem xét vùng sản xuất có đất nông nghiệp không hiệu quả, giá đất thấp mà có điều kiện phát triển cụm công nghiệp thì tham mưu UBND tỉnh giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư”.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể đề nghị trong thời gian tới, ngành công thương cần phát huy lợi thế tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội. Cần so sánh với các tỉnh, thành phố lân cận về việc phát triển các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng công nghiệp, thương mại để từ đó có chiến lược đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư. Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, củng cố, mở rộng thị trường truyền thống và phát triển thị trường tiềm năng, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong tương lai.

Sau 25 năm tái lập, kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đã chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế tiềm năng để chuyển đổi phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Với những tiềm lực dồi dào, bước đi đúng hướng, chúng ta tin rằng: “Trong tương lai không xa, ngành công nghiệp Sóc Trăng sẽ phát triển nhanh và bền vững đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà”.

Quang Bình

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: