• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Những thành tựu kinh tế nổi bật sau 25 năm tái lập tỉnh

Kỳ 3: Thành tựu khoa học và công nghệ qua 25 năm đồng hành xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội

17/04/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 17/04/2017 | 09:00

STO - Song hành cùng với quá trình tái lập tỉnh, 25 năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) có bước chuyển biến tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 1992 - 2017, các nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN đã đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững, hàm lượng khoa học trong sản phẩm tăng lên đáng kể.

Từ một tỉnh có nền kinh tế với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, sau 25 năm tái lập tỉnh, Sóc Trăng có bước chuyển mình đáng kể trên tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, giao thông... cho đến phát triển doanh nghiệp. Song song đó, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

 

Chặng đường 1/4 thế kỷ không ngừng phát triển, việc áp dụng KHCN vào sản xuất đã giúp người dân giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng lợi nhuận sau thu hoạch và đặc biệt giảm được chi phí đầu tư ban đầu. Theo nhìn nhận của lãnh đạo Sở KHCN, hoạt động KHCN thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số đề tài nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa nghèo bền vững.

Mô hình nhà lưới và hệ thống nước phun tưới tự động là những phát minh của KHCN áp dụng hiệu quả vào sản xuất rau màu.

Phấn khởi khi lĩnh vực KHCN tỉnh nhà ngày càng phát triển và có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ nguồn nhân lực KHCN, đồng chí Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết: “Nguồn nhân lực KHCN của tỉnh có sự phát triển về chất lượng, được đào tạo và có trình độ chuyên môn phù hợp vị trí, nhu cầu công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Cũng theo đồng chí Dương Vĩnh Hảo, hầu hết nguồn nhân lực KHCN có trình độ cao trên địa bàn tỉnh hiện đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo ở các đơn vị sự nghiệp hoặc tham gia nghiên cứu khoa học. Đây là nguồn nhân lực có năng lực và kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, xử lý tình huống tốt và khả năng suy nghĩ độc lập, giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Song song với việc phát triển đội ngũ nguồn nhân lực, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ 25 năm qua đã tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia…

Qua đó, có nhiều dự án, đề tài được nghiên cứu thực hiện thành công trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Dự án “Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nấm linh chi” đã tiến hành chăm sóc 3.000 bịch phôi nấm tại nhà trại và thu hơn 50kg nấm linh chi khô và phối hợp đơn vị chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm trà linh chi túi lọc và nước uống linh chi đóng chai quy mô pilot hay Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu”, dùng cho sản phẩm hành tím”, ký hợp đồng với chủ nhiệm dự án, thành lập ban triển khai dự án và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện điều tra, khảo sát thu thập tài liệu vùng địa danh Vĩnh Châu và lấy mẫu đất để đánh giá, phân tích chỉ tiêu chất lượng.

Bên cạnh đó, Sở KHCN còn tiến hành nghiệm thu kế hoạch “Xây dựng mô hình nước uống cho học sinh tại các trường học”; đồng thời, thực hiện 5 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của ngành. Riêng hoạt động phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 với 32 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh thuộc lĩnh vực môi trường và thực phẩm đã phân tích tốt các mẫu hàng theo yêu cầu của khách. Chỉ tính riêng trong năm 2006, phòng thí nghiệm phân tích gần 300 mẫu hàng các loại, gồm: mẫu nước mắm, nước thải, thân bắp, nước ngầm, nước sinh hoạt, nước uống, nước mặt, giá thể trồng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn tôm, cám ủ vi sinh, chế phẩm sinh học…

Ngoài ra, đơn vị còn sản xuất và cung ứng chế phẩm E.M, nấm xanh, nấm linh chi khô, nước uống cung ứng cho khách hàng trong, ngoài tỉnh và hỗ trợ 2 doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm vàng, trang sức mỹ nghệ, có 1 doanh nghiệp đã áp dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm IFS, có 1 doanh nghiệp công bố hợp quy cho 5 sản phẩm thức ăn chăn nuôi và đơn vị cũng đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục nhằm hỗ trợ tiếp cho 6 đơn vị còn lại.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, Sở KHCN đã thành lập hội đồng KHCN cấp cơ sở và ban hành quy chế cho hội đồng cấp huyện hoạt động với nhiệm vụ chính là đề ra các phương hướng, nhiệm vụ hàng năm, thực hiện nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ sản xuất và đời sống tại địa phương. Qua đó, năm 2016 có 8/11 huyện, thị xã đã và đang triển khai thực hiện 63 đề tài, dự án với tổng kinh phí gần 14 tỉ đồng từ các nguồn vốn sự nghiệp được phân khai theo từng năm.

Từ đó, có nhiều đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trong sản xuất. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất đã từng bước góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Điển hình như trong nông nghiệp, đã tổ chức thực hiện Đề tài “Lai tạo và chọn lọc giống lúa thơm đặc sản từ các dòng lúa đột biến quý với các giống lúa thơm thuần cải thiện” đạt kết quả tốt, tạo ra các giống ST; trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Sóc Trăng đã chủ động được nguồn meo giống nấm các loại, như nấm rơm, linh chi, bào ngư… trong thủy sản, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sinh sản, nhân tạo một số hình thức nuôi với một số đối tượng có giá trị, như tôm sú, cá tra, cá sặc rằn, cá bống tượng, đẩy mạnh ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm sú; trong công nghiệp, các doanh nghiệp đổi mới thiết bị… Song song đó, nhiều đề tài, dự án chuyên ngành về khoa học, lịch sử, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian được thực hiện có giá trị quan trọng về khoa học.

Tại buổi làm việc vào đầu tháng 2-2017 với ngành KHCN, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể đánh giá đội ngũ cán bộ khoa học rất quan trọng để tạo nên những bước đột phá trên các lĩnh vực tỉnh nhà. Chính vì thế, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: “Việc phát triển các lĩnh vực phục vụ đời sống sản xuất về KHCN phải đảm bảo môi trường. Hướng tới, ngành KHCN nên nghiên cứu các ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; nghiên cứu hình thành các nhà máy chế biến đóng hộp các loại cây ăn trái có tiềm năng của tỉnh và tạo ra nhiều sản phẩm từ hạt gạo”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Làm khoa học phải có sự liên kết giữa các đơn vị liên quan, đặc biệt Sở KHCN cần tạo nhiều đột phá trong nông nghiệp và quan tâm đến đội ngũ nhà khoa học trẻ. Qua đó, UBND tỉnh phải xem xét sự phát triển của các đề án, đề tài nhằm tạo ra sản phẩm ứng dụng vào thực tế hiệu quả”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: