• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Góc nhìn kinh tế

Sạch hơn để giá trị và hiệu quả cao hơn

13/03/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Tích Chu
  • Thứ Hai, 13/03/2017 | 09:00

STO - Theo thời gian, nhu cầu của người tiêu dùng cũng ngày một tăng lên. Đầu tiên là ăn no, sau đó là ăn ngon và cao hơn là ngon và sạch. Để đáp ứng nhu cầu ngon và sạch của các “thượng đế”, chỉ có mỗi con đường là sản xuất theo quy trình hữu cơ. Từ đây, các sản phẩm mang thương hiệu hữu cơ lần lượt ra đời và tất nhiên không thể thiếu loại sản phẩm truyền thống được tiêu thụ phổ biến là gạo.

Gần đây, trên thị trường bắt đầu xuất hiện một dòng gạo mới mang tên “gạo hữu cơ” được tiêu thụ rất mạnh, dù giá bán rất cao. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thuộc giới trung và thượng lưu hiện ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình. Vào trang tìm kiếm Google, chỉ cần gõ từ khóa “gạo hữu cơ” có đến 628.000 kết quả, với các thương hiệu: Gạo hữu cơ Hoa Sữa, Gạo hữu cơ Hoàng Gia… 

Mô hình sản xuất lúa đặc sản an toàn và hiệu quả trên đất nuôi tôm ở Mỹ Xuyên khá thành công cần được duy trì và nhân rộng

Cố gắng tìm kiếm thêm về quy trình sản xuất cũng như chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ, mới thấy làm gạo hữu cơ cũng không có gì khó và việc chứng nhận gần như là con số O (không), bởi Việt Nam chưa ban hành bộ tiêu chuẩn chứng nhận gạo hữu cơ. Tuy nhiên, mặc cho việc có hay không có chứng nhận, các sản phẩm gạo hữu cơ trên thị trường vẫn được người tiêu dùng đón nhận cao, dù giá của nó gấp đôi, thậm chí là gấp 3 lần giá gạo thông thường cùng chủng loại.

Do chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn gạo hữu cơ, nên chỉ cần loại gạo nào được sản xuất mà không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học sau vài vụ là mặc nhiên trở thành gạo hữu cơ. Thậm chí, một số sản phẩm sản xuất theo mô hình tôm - lúa cũng được gắn nhãn hữu cơ. Nhìn vào quy trình sản xuất trên có thể thấy, những loại gạo hữu cơ này không có gì khác gạo lúa mùa ngày xưa, thậm chí nếu xét về độ sạch đúng nghĩa cũng không bằng.

Cây lúa mùa ngày xưa không dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, còn nguồn nước thì chỉ sử dụng nước trời (nước mưa – PV), nên có thể xem là sạch nhất. Còn cây lúa hữu cơ ngày nay, dù không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nhưng xét độ sạch chắc chắn sẽ không bằng, vì đất, nước (kể cả nước mưa) bây giờ đều không sạch và tinh khiết như ngày xưa. Nhưng chỉ cần biết được loại gạo đó được sản xuất theo quy trình không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học là người tiêu dùng chấp nhận như một gạo hữu cơ chính hiệu.

Đến đây có thể thấy, người tiêu dùng không mấy quan tâm đến nhãn hiệu chứng nhận hữu cơ, mà chủ yếu là niềm tin vào cam kết của nhà cung cấp sản phẩm. Trường hợp sản phẩm gạo của nông dân trẻ ở tỉnh Đồng Tháp, dù không có bất kỳ một chứng nhận nào, dù chỉ là VietGAP, vẫn được thị trường chấp nhận với mức giá 32.000 đồng/kg, tức gần gấp đôi gạo sản xuất thông thường. Đơn giản chỉ vì người nông dân trẻ này “làm sao thì nói vậy” và sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng sản phẩm do mình cung cấp.

Sản xuất theo quy trình lúa mùa ngày xưa là không khó, nhất là những vùng làm lúa 2 vụ/năm hay vùng tôm – lúa. Tuy nhiên, nếu xét về điều kiện sản xuất thì vùng tôm – lúa có tính khả thi cao hơn, do con tôm luôn là nguồn thu nhập chính, nên nông dân sẽ tập trung bảo vệ nguồn thu này, bằng biện pháp tốt nhất là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Vậy tại sao hạt gạo trên vùng tôm – lúa đến nay vẫn chưa thể là gạo hữu cơ hay gạo sinh thái, hoặc chí ít cũng là gạo sạch? Đơn giản chỉ vì thiếu doanh nghiệp tham gia để quảng bá, còn nông dân chỉ cần bán được lúa với giá có lời là tốt rồi!

Trở lại với vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm, cái khó lớn nhất hiện nay là làm sao xóa bỏ được “tư duy năng suất” và hướng nông dân vào “tư duy giá trị và hiệu quả”. Điều này đã và đang được 2 dự án: Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm trong chuỗi giá trị gạo tại Việt Nam (GRAISEA) tích cực thực hiện. Một khi nông dân sản xuất lúa theo đúng quy trình của dự án, sẽ giúp tiết kiệm 20% chi phí sản xuất (chỉ riêng phân bón là 50%), sản phẩm sẽ được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường 250 đồng/kg.

Như vậy, để giải bài toán thị trường tiêu thụ, lợi nhuận cho người trồng lúa và đảm bảo tính bền vững, con đường khả thi nhất có thể hiện nay là làm sao cho hạt lúa không chỉ ngon mà còn sạch. Điều này cũng không quá khó, nếu nông dân được định hướng đúng về sự khác biệt giữa giá trị, hiệu quả hơn là năng suất, sản lượng.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: