• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

CHUYÊN MỤC “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA”

Tăng cường tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

11/03/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 11/03/2017 | 06:00

STO - Thời gian qua, việc nâng cấp chuỗi giá trị gạo là một trong những hoạt động quan trọng của Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Để tiếp nối hoạt động này, năm 2017 – 2018, Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục tác động các khâu quan trọng trong chuỗi giá trị gạo.

Cùng các thành viên trong Tổ hợp tác Sản xuất lúa Ấp 21, xã Thạnh Tân (Thạnh Trị) ra tham quan mô hình trình diễn canh tác lúa theo hướng GAP, anh Lư Thành Bon, chủ hộ áp dụng mô hình giới thiệu: “Đây là vụ đầu tiên tôi sản xuất lúa theo hướng GAP nhưng hiệu quả đã cho thấy rõ rệt. Hơn 1.000m2 đất trồng lúa ST21 được canh tác theo quy trình GAP tốn ít chi phí hơn hẳn, thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi thay thế nấm xanh để diệt rầy. So với lối canh tác thông thường, tôi tiết kiệm được chi phí đầu tư và góp phần bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Với những hiệu quả này, anh Bon tiết lộ: “Với vai trò là tổ trưởng của tổ hợp tác, tôi sẽ vận động nông dân trong tổ canh tác theo quy trình này”.

Sản xuất lúa theo hướng GAP sẽ có lợi cho nông dân, doanh nghiệp cũng có nguồn nguyên liệu sạch

Không riêng mô hình trình diễn của anh Bon, qua quá trình phối hợp giữa Ban Quản lý Dự án Phát triển DNNVV với doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, việc canh tác lúa theo hướng GAP cũng được thực hiện ở nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn huyện Thạnh Trị và TX. Ngã Năm. Hầu hết các hộ đều nhận thấy những lợi ích của mô hình mang lại. Không chỉ vậy, hoạt động này còn giúp tăng cường tính liên kết của nông dân và doanh nghiệp.

Trong hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị gạo của Ban Quản lý Dự án Phát triển DNNVV, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với doanh nghiệp Hồ Quang Trí tổ chức tập huấn quy trình canh tác, sản xuất lúa theo hướng GAP cho nhà nông được chọn. Theo đó, các nhà nông được phổ biến chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, canh tác theo quy trình 1 phải, 5 giảm, sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu và các chuyên đề về giảm giống, giảm phân, giảm thuốc… để tiết kiệm chi phí đầu tư trong sản xuất.

Theo các nông dân áp dụng mô hình trình diễn canh tác lúa theo hướng GAP tại xã Thạnh Tân, lợi nhuận thu về của sản xuất lúa sạch theo hướng GAP đạt 24.740.000 đồng/ha trong khi ruộng đối chứng chỉ đạt 20.940.000 đồng/ha, mức chênh lệch này là do khi sản xuất theo GAP đã tiết kiệm được giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, năng suất của mô hình GAP đạt cao hơn (6,1 tấn/ha so với 5,9 tấn/ha ruộng đối chứng). Mô hình này được xem có lợi cho cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng, do nông dân tham gia mô hình vừa tiết kiệm trong sản xuất lại có đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu. Mặt khác, doanh nghiệp cũng có vùng nguyên liệu sạch để cung cấp ra thị trường, người dân có sản phẩm sạch để tiêu dùng.

Ngày càng nhiều nhà nông sản xuất lúa theo hướng GAP

Trong năm 2016, để nâng cao hiệu quả hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị gạo, Ban Quản lý dự án đã mời giáo sư Võ Tòng Xuân làm chuyên gia tư vấn hỗ  trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo ngon Sóc Trăng. Để tuyển chọn doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ, giáo sư Võ Tòng Xuân đã tham vấn Ban Quản lý dự án tổ chức thực hiện các hoạt động: xây dựng bộ tiêu chí để tuyển chọn doanh nghiệp đủ điều kiện xây dựng thương hiệu gạo, khảo sát thực địa và tuyển chọn được 2 doanh nghiệp (DNTN Hồ Quang Trí và Châu Hưng) có đủ điều kiện và tâm huyết để xây dựng thương hiệu gạo… 

Theo kế hoạch, thời gian tới, Ban Quản lý dự án sẽ hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp Hồ Quang Trí đầu tư vùng nguyên liệu lúa ST, áp dụng các giải pháp sinh học để gạo đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước mắt trong năm 2017, Ban Quản lý dự án và doanh nghiệp sẽ phối hợp tổ chức triển khai cho nông dân liên kết doanh nghiệp sản xuất lúa ST sử dụng các chế phẩm sinh học Trichoderma, Fulvic, phân vi lượng… với diện tích 1.000ha, ứng dụng biện pháp sinh học trong sản xuất nông nghiệp sẽ mang tính bền vững và hiệu quả cao.

Trong hoạt động này, doanh nghiệp đối ứng 50% kinh phí đầu tư các chế phẩm sinh học hỗ trợ đầu vào cho nông dân, nông dân hưởng lợi từ sự gia tăng giá trị và hoàn trả kinh phí cho doanh nghiệp ứng trước. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục thuê chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo ngon Sóc Trăng. Tùy theo thực trạng và điều kiện của doanh nghiệp Hồ Quang Trí và Châu Hưng, tư vấn sẽ hoạch định kế hoạch hoạt động cụ thể giúp doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xây dựng thương hiệu.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: