• Sóc Trăng tiềm năng và phát triển

Trần Đề với tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa ngành nghề

15/06/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 15/06/2017 | 06:00

STO - Có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông và nguồn nhân lực, nên huyện Trần Đề có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng “đa dạng hóa ngành nghề”; đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến và khai thác thủy, hải sản. Từ sự tập trung khai thác có hiệu quả những lợi thế trên, hàng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn đạt mức cao.

Nhắc đến Trần Đề, hầu hết mọi người đều biết đây là địa phương có tiềm năng kinh tế nông nghiệp gắn với đánh bắt, khai thác thủy sản. Ngoài ra, huyện Trần Đề còn có ưu thế là địa phương có cảng cá phục vụ nhu cầu neo đậu tàu thuyền đánh bắt trong và ngoài tỉnh. Nhiều du khách khi có dịp đến đây đều muốn một lần đến tham quan khu vực Cảng cá Trần Đề và tự tay lựa chọn các loại cá tươi hay cá khô mang về làm quà biếu người thân. Chính vì thế, Trần Đề đã và đang trở thành điểm đến thật sự hấp dẫn của nhiều du khách trong nước kể cả quốc tế, đặc biệt khi chuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo chính thức khởi động, vận hành trong tương lai, sẽ đưa huyện Trần Đề phát triển vượt bậc dựa vào tiềm năng du lịch.

Thủy, hải sản được đánh bắt ngoài biển sẽ là mặt hàng "đặc sản" bán buôn cho khách du lịch khi đến Trần Đề.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển của Trần Đề khi tuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo đưa vào hoạt động, Phó Chủ tịch UBND huyện Lưu Hữu Danh phấn khởi: “Khi có chuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo, ước lượng khách lượt đi - về tương đương 700 người/ngày, kèm theo đó là hàng hóa vận chuyển lớn giữa người dân trên đảo và đất liền, giúp tiêu thụ lớn nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn huyện. Song song đó, khi khách đến lưu trú sẽ tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Để việc phục vụ khách du lịch chu đáo, huyện chuẩn bị sẵn các phương án, như: dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và các loại mặt hàng gọi là “đặc sản” của huyện để giới thiệu đến du khách, chẳng hạn như: cá làm khô các loại, tôm khô hay các loại thủy sản tươi đánh bắt trên biển”. 

Cũng theo đồng chí Lưu Hữu Danh, để tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đặt chân đến Trần Đề, chính quyền địa phương sẽ tập huấn người dân cung cách phục vụ du khách với phương châm “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Bên cạnh đó, huyện Trần Đề kêu gọi các nhà đầu tư mở rộng các dịch vụ du lịch tại huyện và xây dựng nhà máy chế biến thủy, hải sản; đồng thời, kêu gọi đầu tư khu trung tâm thương mại, nâng cấp chợ thị trấn để chợ hoạt động hiệu quả và thu hút lượng khách du lịch đến mua sắm tại chợ thật xôm tụ hơn… Giải quyết được các vấn đề cốt lõi đã nêu ở trên, tin rằng địa phương sẽ thu ngân sách tăng gấp vài lần so với hiện tại.

Người dân chuyên sản xuất cá biển làm khô trông chờ chuyến tàu Trần Đề - Côn Đảo đi vào hoạt động để việc bán hàng thuận lợi hơn.

Trời nắng mùa hè như đổ lửa nhưng ông Bùi Văn Hên, ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề vẫn đứng chôn chân xem thợ thi công bến tàu cao tốc. Giật mình bởi tiếng gọi vọng từ xa gọi đúng tên mình, ông Hên nhanh chân đi về hướng chúng tôi. Với gương mặt hớn hở, ông Hên tâm tình: “Từ ngày bến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo được khởi công xây dựng, ngày nào tôi cũng tranh thủ thời gian ra ngó xem họ làm tới đâu, mong ngóng từng ngày công trình sớm hoàn thành, để đón khách du lịch đến quê hương mình. Nói thật, tôi nhận phần đất tái định cư tại khu vực gần bến tàu này đã nhiều năm rồi, ở đây phải nói là rất buồn và nhiều người nhận đất xong họ chưa về cất nhà sinh sống, đi ra đi vào nhất là ban đêm thấy lo lắng vì đường vắng, mặc dù an ninh ở thị trấn rất tốt”.

Cũng theo ông Hên, nhờ dự án bến tàu cao tốc mà giá đất tại khu vực tăng đột biến; nếu như trước đây, mảnh đất ngang 5m dài 20m, giá bán chưa tới 100 triệu đồng, không ai thèm quan tâm, giờ giá đã tăng gấp vài lần mà không có đất bán. Do vậy, trong tương lai, thị trấn Trần Đề sẽ rất sung túc, nhờ vào các dịch vụ du lịch và bà con mình sẽ khấm khá hơn khi có nhiều khách, nhờ đó mà việc bán buôn thuận lợi, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Chia tay ông Hên, chúng tôi ngược trở lên ấp Cảng, thị trấn Trần Đề và đi dọc theo bờ kè - đây chính là nơi kinh doanh mặt hàng cá khô các loại của nhiều hộ dân, hầu hết người dân ở đây rất vui mừng khi biết chuyến tàu Trần Đề đi Côn Đảo đang chuẩn bị khởi hành. Chị Liêu Thị Lan chia sẻ: “Ngày ấn nút khởi công công trình, tôi cũng có đi xem. Mình làm kinh doanh, nên rất quan tâm đến lưu lượng khách đến Trần Đề, vì nhiều người đến sẽ đồng nghĩa với việc mặt hàng cá khô các loại do gia đình sản xuất bán chạy hàng hơn, dù kinh doanh nhiều năm và sản phẩm cá khô chủ yếu bỏ mối cho các sạp trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh khác, nhưng tôi vẫn trông chờ khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng, như thế cảm thấy vui hơn”.

Đồng chí Lưu Hữu Danh cho biết thêm: “Ngoài mặt hàng cá tươi, cá khô bán cho khách du lịch, huyện còn sản phẩm sữa bò tươi, kể cả một số nông sản do nông dân trồng chuyên canh tại một số xã được người tiêu dùng ưa chuộng. Do vậy, chúng tôi hướng đến đưa các loại sản phẩm do người dân trên địa bàn huyện tự chăn nuôi, trồng trọt giới thiệu đến khách nhằm tạo dấu ấn riêng khi khách đến Trần Đề. Đồng thời, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến du lịch xanh nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển trong tương lai gần”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: