• Sức khỏe và Đời sống

Bác sĩ điểm danh những nghề dễ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi

28/11/2020 06:37 GMT +7
  • Nguồn: Báo Người Lao Động
  • Thứ Bảy, 28/11/2020 | 06:37

Đi giày cao gót, thường xuyên mặc đồ bó hay những người làm công việc giáo viên, ngân hàng, công nhân... sẽ có nguy cơ cao bị bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Ngày 28-11, hàng trăm người dân đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội) khám, sàng lọc miễn phí bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Theo bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng Khoa Nội, Can thiệp tim mạch - Hô hấp, Bệnh viện Việt Đức, tại Việt Nam, khoảng 1/4 người trưởng thành mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi. Tại Bệnh viện Việt Đức, trung bình một ngày có 20 bệnh nhân đến khám vì bệnh lý tĩnh mạch, bệnh tăng dần theo các năm và đối tượng mắc bệnh cũng trẻ tuổi hơn.

Suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở 40% ở dân số trưởng thành - Ảnh: Thảo My

Theo các nghiên cứu lớn trên thế giới, suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở 40% ở dân số trưởng thành. Trong đó, nữ giới có tỉ lệ mắc cao hơn nam giới từ 2-3 lần. Đến nay, nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân được xác định có liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ. Trong đó, những công việc liên quan đến đứng lâu, ngồi quá nhiều như: Nhân viên ngân hàng, thợ dệt, giáo viên, công nhân may mặc, chế biến hải sản… hay những người thường xuyên gánh vác nặng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Đặc biệt, phụ nữ thường bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén... Ngoài ra, thói quen đi giày cao gót, thường xuyên mặc đồ bó cũng làm tăng áp lực cho mạch máu nhỏ vùng bàn chân, cản trở dòng máu về tim, dần dần gây suy giãn van tĩnh mạch. "Máu tụ quá lâu làm tăng áp lực hệ tĩnh mạch chi dưới, từ đó gây suy van, máu không dồn được về tim, tiếp tục tích tụ gây tê bì, loét, hình thành huyết khối. Khi biến chứng nặng, máu ứ trong lòng tĩnh mạch hình thành các cục máu đông, trôi về tim, gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong"- bác sĩ Bình lưu ý.

Siêu âm tĩnh mạch chân để đánh giá giai đoạn bệnh

Thông tin thêm về bệnh lý khá thường gặp này, bác sĩ Lê Nhật Tiên, Phó trưởng Khoa Nội, Can thiệp tim mạch – Hô hấp, Bệnh viện Việt Đức, cho biết bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới rất phổ biến. Nếu bị tình trạng suy giãn tĩnh mạch nông có thể nhìn thấy ngoài da, nhưng với suy giãn tĩnh mạch sâu sẽ không nhìn thấy vì nằm sâu ở trong cơ đi cùng động mạch. Do đó, bệnh dễ nhầm lẫn với thần kinh cột sống thắt lưng, bệnh cơ xương vùng cẳng chân, đùi chân. Bệnh nhân phù chân, chuột rút, tê bì, thậm chí cảm giác căng mỏi bắp chân về cuối ngày. Nhiều bệnh nhân thường đến điều trị muộn do bệnh tiến triển âm thầm, khi bệnh nhân bị sạm da vùng cẳng bàn chân, loét bàn chân mới đi khám, lúc đó mới phát hiện có suy giãn tĩnh mạch.

Các bác sĩ cho biết ở giai đoạn sớm, suy giãn tĩnh mạch chân không nguy hiểm và có thể kiểm soát bệnh. Khi đó, bệnh nhân chỉ cần đeo tất áp lực, dùng thuốc bôi, thuốc tăng trương lực mạch. Thế nhưng, trên thực tế tỉ lệ bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch ở Việt Nam đến viện ở giai đoạn đầu rất ít. Đa phần các trường hợp đi khám bệnh khi thấy giãn các tĩnh mạch mạng nhện nhiều, nổi các búi tĩnh mạch nông dưới da ngoằn ngoèo, thậm chí phù chân, biến đổi sắc tố da, loét hoặc đau mỏi nặng dẫn đến điều trị lâu dài, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trường hợp nặng nhất đến viện khi tĩnh mạch đã giãn to 1-2 cm.

Hình ảnh búi tĩnh mạch nổi rõ khi bệnh đã sang giai đoạn muộn - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Để phòng bệnh, bác sĩ Tiên khuyên mọi người cần có tư thế ngồi đúng, không ngồi vắt chéo chân. Nếu công việc gò bó, cần thay đổi tư thế thường xuyên. Phụ nữ nên thay đổi thói quen ăn mặc, mặc đồ thoáng hơn, không đi giày cao gót quá cao. Trường hợp suy giãn tĩnh mạch chân cần tránh ngâm chân bằng nước ấm, không nên tắm nước nóng vì có thể khiến mạch dễ bị giãn to hơn.

N.Dung/Báo Người Lao Động

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: